Đà Nẵng: Nhà thầu tự chịu mọi chi phí do công trình bị đình chỉ vì không an toàn
Ngày 8/1, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, ngay sau khi xảy ra vụ sập tường khi tháo dỡ trụ sở cũ của báo Đà Nẵng khiến 2 người tử vong chiều 4/1, ngay trong ngày 5/1, Sở đã có công văn 114/SXD-QLCL gửi các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các quận, huyện, các tổ chức hoạt động xây dựng trên địa bàn TP yêu cầu tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng.
![]() |
Hiện trường vụ tai nạn lao động làm chết 2 người khi tháo dỡ trụ sở cũ của báo Đà Nẵng chiều 4/1 (Ảnh: HC) |
Theo đó, chủ đầu tư (hoặc quản lý dự án) có trách nhiệm lựa chọn các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực theo quy định để thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình (nếu có) và các công việc tư vấn xây dựng khác.
Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc nhà thầu tuân thủ biện pháp thi công và các giải pháp về an toàn đã được phê duyệt; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện có sự cố gây mất an toàn công trình, dấu hiệu vi phạm về an toàn.
Tuân thủ biện pháp thi công và các giải pháp về an toàn đã được phê duyệt trong quá trình thi công xây dựng. Công khai các biện pháp đảm bảo an toàn, nội quy về an toàn lao động trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường phải có cảnh báo đề phòng tai nạn. Nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về việc công tác quản lý chất lượng công trình và an toàn trong thi công công trình xây dựng do mình thi công.
Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm chỉ đạo các cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng công trình thuộc chuyên ngành quản lý tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn trong thi công xây dựng, trong đó đặc biệt lưu ý các nội dung nêu trên. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý đối với các hành vi vi phạm về an toàn trong thi công xây dựng công trình thuộc chuyên ngành quản lý.
UBND các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị (Phòng Kinh tế - Hạ tầng), Đội quy tắc đô thị, UBND các phường, xã khi phát hiện công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ của người dân hoặc các công trình lân cận công trình đang xây dựng có dấu hiệu không đảm bảo an toàn hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố sụp đổ, phải kịp thời quay phim, chụp hình, báo cáo và đề xuất hướng xử lý với UBND cấp huyện và Sở Xây dựng.
Sở Xây dựng Đà Nẵng giao Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị có liên quan thực hiện theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn.
Công trình không đảm bảo an toàn lao động sẽ bị đình chỉ thi công đến khi các vấn đề tồn tại được khắc phục. Việc chậm trễ và mọi chi phí do ngừng thi công, đơn vị thi công phải tự chịu trách nhiệm. Chủ đầu tư (hoặc quản lý dự án, tư vấn giám sát thi công do chủ đầu tư thuê), nhà thầu có hành vi vi phạm các quy định về an toàn trong thi công xây dựng thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ đề xuất xử phạt theo quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP; thu hồi chứng chỉ hành nghề các cá nhân liên quan và các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo công văn 114/SXD-QLCL của Sở Xây dựng Đà Nẵng, đối với nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2 hoặc từ 3 tầng trở lên hoặc có chiều cao từ 12m trở lên thì chủ nhà phải thuê tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm thi công xây dựng công trình có quy mô tương tự để thực hiện; riêng nhà ở từ 7 tầng trở lên (cấp công trình tối thiểu là cấp III), chủ nhà phải thuê tổ chức thi công xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định (tại điều 53 và điều 65 Nghị định 59/2015/NĐ-CP) để thực hiện.