Cứu sống ngoạn mục cụ ông 94 tuổi viêm phổi nặng, nhồi máu cơ tim cấp
Bệnh nhân đang hồi phục sau ca can thiệp |
Ngày 12/12, bệnh nhân nam H.L (94 tuổi, ngụ TPHCM) nhập viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp do viêm phổi nặng, nhịp tim không đều, nhồi máu cơ tim cấp.
Theo chia sẻ của gia đình, trước đó bệnh nhân H.L đã điều trị tại một bệnh viện lớn của TPHCM nhưng không được chỉ định can thiệp vì bác sĩ giải thích tình trạng bệnh nặng, tuổi cao, sức yếu.
Sau khi tổng hợp kỹ các dữ liệu lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ Khoa Can thiệp mạch máu của bệnh viện Quốc tế City đã quyết định tiến hành chụp động mạch vành, đã phát hiện nhiều nhánh động mạch bị tắc gần như hoàn toàn.
Một thách thức lớn cho các bác sĩ Khoa hồi sức tích cực (ICU) và Can thiệp mạch máu (DSA) là bệnh nhân đã lớn tuổi, nhiều bệnh viện đã từ chối can thiệp trong khi nhồi máu cơ tim cấp diễn tiến nặng dần với các biểu hiện huyết động học suy sụp, rối loạn nhịp tim rất nặng,… đe dọa sinh mạng bệnh nhân.
Các bác sĩ quyết định đặt stent mạch vành để cứu sống bệnh nhân. Sau can thiệp tái thông động mạch vành thành công, bệnh nhân cải thiện dần các triệu chứng, huyết động và nhịp tim ổn định dần, các giá trị men tim giảm, sức co bóp cơ tim hồi phục rất tốt, cùng lúc điều trị tình trạng viêm phổi nặng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Nhôm – Phó Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quốc tế City cho biết: “Bệnh nhân có tiền sử viêm phổi, tăng huyết áp. Cách đây khoảng 3 tháng, bệnh nhân đã được một số bệnh viện lớn điều trị nhưng không chỉ định can thiệp. Khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc kém, suy hô hấp nặng.
Sau khi tiến hành hội chẩn liên khoa, bác sĩ chỉ định điều trị song song viêm phổi và can thiệp đặt stent mạch vành. Sau hơn 1 tuần điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt: tỉnh táo hơn và đặc biệt là chức năng hô hấp cải thiện”.
Đặt stent mạch vành là kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da bằng cách đưa bóng và stent vào vị trí động mạch vành bị tắc nghẽn, nhằm mở rộng lòng mạch cho máu lưu thông đến vùng cơ tim thiếu máu. Đồng thời giúp người bệnh tránh được nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc giảm thiểu vùng tim bị hoại tử và cho phép người bệnh hoạt động trở lại mà không xuất hiện cơn đau thắt ngực.