Cựu Đại sứ Mỹ Pete Peterson dạy bơi cho hơn 20.000 học sinh
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết tặng bằng khen cho Ngài Pete Peterson và phu nhân - Ảnh: HC |
Nổi bật trong đó là những đóng góp của Liên minh Vì sự an toàn trẻ em (TASC), do Ngài Pete Peterson sáng lập và trực tiếp làm Chủ tịch, cho chương trình "Bơi an toàn" triển khai trên địa bàn Đà Nẵng trong suốt 4 năm qua nhằm góp phần ngăn ngừa đuối nước ở trẻ em lứa tuổi 6 - 12.
Ngài Pete Peterson cho hay, TASC là tổ chức phi Chính phủ của Mỹ, hoạt động vì mục đích giảm tỉ lệ thương tích ở trẻ em tại các nước đang phát triển trên phạm vi toàn cầu thông qua việc phát triển và thực hiện các chương trình phòng chống chấn thương ở trẻ em.
Chương trình "Bơi an toàn" được bắt đầu tại Đà Nẵng năm 2009 - 2010 như là một phần của chương trình lớn về ngăn ngừa chấn thương ở trẻ em có tên "An toàn Đà Nẵng". Từ năm 2010 - 2012, "Bơi an toàn" tiếp tục được phê duyệt và thực hiện như một dự án riêng biệt. Đối tác kỹ thuật chính của Chương trình "Bơi an toàn" là Hiệp hội Cứu hộ Hoàng gia Úc (RLSSA) và đóng góp trực tiếp vào việc hỗ trợ chương trình tại Đà Nẵng là nguồn tài trợ của Chính phủ Úc.
Từ năm 2009 - 2012, tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 16 tỉ đồng. Trong 3 năm 2009 - 2011, thông qua Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, chương trình đã dạy bơi cho 15.007 học sinh. Riêng năm 2012, thông qua Sở GD-ĐT Đà Nẵng, chương trình đặt mục tiêu dạy cho 6.000 học sinh nhưng thực tế đã dạy cho 7.477 học sinh, nâng tổng số học sinh Đà Nẵng được học bơi trong chương trình này lên gần 22.500 em. Tổng tỉ lệ học sinh đạt yêu cầu sau khi học bơi là 89,8% (nam 54%, nữ 46%); trong đó tỉ lệ đạt của học sinh nhóm tuổi 6 - 9 là 62%, và nhóm tuổi 10 - 12 là 38%.
Ngoài ra, chương trình cũng đã đào tạo được hơn 120 giáo viên, chủ yếu là giáo viên giáo dục thể chất từ các trường tiểu học, THCS và 15 nhân viên cứu hộ để tham gia giảng dạy giáo trình "Bơi an toàn" của RLSSA; 20 giáo viên được đào tạo để giảng dạy cho giáo viên khác và 9 trong số đó đã được đào tạo nâng cao, được RLSSA cấp giấy chứng nhận huấn luyện. Bộ GD-ĐT cũng đã nhận được sự hỗ trợ thông qua việc đội ngũ huấn luyện viên đã được cấp giấy chứng nhận của chương trình "Bơi an toàn Đà Nẵng" thực hiện 2 khoá huấn luyện cho các địa phương khác.
"Mục tiêu của chúng tôi không phải dạy cho các em học sinh 6 - 12 tuổi trở thành những vận động viên bơi lội, mà là dạy cho các em những kỹ năng để an toàn trong môi trường sông nước, có khả năng tự cứu chính mình và sau đó có thể cứu người khác khi xảy ra sự cố đuối nước. Chính vì vậy, chúng tôi đánh giá rất cao việc HĐND TP Đà Nẵng ra Nghị quyết đến năm 2016 "xoá mù bơi" cho toàn thể học sinh tiểu học. Đây là việc chưa từng có ở bất kỳ địa phương nào của Việt Nam và hết sức có ý nghĩa" - Ngài Pete Peterson nói.
Tuy nhiên ông cho rằng, để thực hiện mục tiêu này, Đà Nẵng không nhất thiết phải xây dựng các bể bơi cố định mà nên sử dụng bể bơi di động như chương trình "Bơi an toàn" đang thực hiện rất hiệu quả trong thời gian dài, dễ duy tu bảo dưỡng, dễ cơ động sang địa điểm khác để dạy bơi... "Kinh phí xây 1 bể bơi cố định có thể mua 60 bể bơi di động, mà chắc là Đà Nẵng không phải cần đến 60 bể bơi!" - Ngài Pete Peterson góp ý.
Ông cũng cho biết, chương trình "Bơi an toàn" sẽ được TASC triển khai tại Đà Nẵng đến năm 2014 và tiếp tục những năm sau đó. Từ Đà Nẵng, ông cũng mong muốn chương trình sẽ còn được nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, TASC cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn tài trợ cho chương trình này tại Đà Nẵng. Vì vậy ông rất mong muốn lãnh đạo TP sẽ có sự quan tâm chia sẻ cùng với chương trình.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đánh giá cao ý nghĩa cũng như giá trị thực tiễn và những kết quả to lớn mà chương trình "Bơi an toàn" mang lại cho thế hệ trẻ Đà Nẵng, một trong những địa phương nằm ở vùng duyên hải miền Trung có nhiều sông, biển và thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, lũ lụt. Đặc biệt là đã tạo được nhận thức cho các nhà trường và gia đình trong việc dạy bơi để ngăn ngừa đuối nước cho trẻ em.
Ông khẳng định, chương trình "Bơi an toàn" hoàn toàn phù hợp với định hướng đến năm 2016 "xoá mù bơi" cho học sinh tiểu học mà Nghị quyết HĐND TP Đà Nẵng đã đề ra. Chính vì vậy, UBND TP Đà Nẵng sẽ có trách nhiệm huy động các nguồn lực có thể từ ngân sách TP, từ xã hội hoá... để tiếp tục cùng TASC triển khai thực hiện chương trình "Bơi an toàn" tại Đà Nẵng và có thể nhân rộng ra nhiều địa phương ở miền Trung.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cũng chính thức giao nhiệm vụ cho Sở Ngoại vụ và Sở GD-ĐT làm đầu mối nghiên cứu áp dụng mô hình bể bơi di động để phổ biến tại các trường học trên địa bàn TP.