Cử tri Hà Nội nói về "cải tiến" và "cải lùi" trong giáo dục
Ngày 22/4, Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cùng Đoàn Đại Biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri tại điểm đơn vị bầu cử số 8, xã Dị Nậu (Thạch Thất, TP Hà Nội). Tại buổi làm việc, nhiều cử tri đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề giáo dục.
Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri xã Dị Nậu -Thạch Thất- Hà Nội. (Ảnh: Hồng Chuyên) |
Dân đồng tình thay đổi sách giáo khoa
Trước thực trạng nền giáo dục, cử tri Nguyễn Tuấn Chiểu (thôn Tam Nông) đồng ý với việc cần phải thay đổi chương trình sách giáo khoa. Ông lý giải, chỉ sau một thời gian ngắn, tri thức nhân loại tăng gấp đôi. Do đó cần đổi mới sửa chữa, cần có cách dạy, cách đổi mới cho phù hợp. Tuy nhiên, ông Chiểu cũng đưa ra nguyện vọng: “Đề nghị Quốc hội, ngành giáo dục cần đánh giá lại Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nguyên nhân, kết quả, khó khăn. Chúng tôi vẫn phân vân, sau nhiều năm đổi mới, con em chúng tôi ngày càng đeo ba-lô sách vở nặng hơn nhưng kiến thức thu về ít”.
Là một cử tri có thời gian công tác trong ngành giáo dục, ông Chiểu đã thẳng thắn chỉ ra nhiều “cải tiến” và “cải lùi” của ngành giáo dục. Ông gửi đến Đại biểu Quốc hội những vấn đề cần quan tâm như: đánh giá lại các trường điểm; đánh giá bài học cải tiến chữ viết những năm 80, hiện giờ để lại cho thế hệ này một chữ viết không thể sửa đổi được...
Cử tri Nguyễn Tuấn Chiểu mong muốn ngành giáo dục cần nhìn nhận thực tế, cần đánh giá cái nào chỉ là hình thức, cái nào là thực chất để chỉnh sửa cải cách giáo dục không để lại những hệ lụy.
Cử tri Chiểu nhấn mạnh: “Cử tri muốn được đề án đổi mới cách dạy ra sao, đổi mới có mang lại giá trị cho con em họ hay không và không nên quan tâm đến con số. Tuy nhiên, qua sự việc con số 34 nghìn tỉ sửa đổi sách giáo khoa, Bộ trưởng nói khác, Thứ trưởng nói khác cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị chưa đầy đủ về vấn đề này”.
“Cải tiến” và “cải lùi” trong giáo dục
Cử tri Nguyễn Tuấn Chiểu chia sẻ băn khoăn về chất lượng giáo dục: “Cần quản lý chặt chẽ đào tạo giáo dục phổ thông và đại học. Đặc biệt, có hiện tượng có những trường đại học, cao đẳng đào tạo không tốt thi đầu vào kém lại cho điểm cao, nên khi thi công chức tạo ra bất công đối với những người học thực sự, học ở những trường chất lượng thực sự”.
Ông cũng phản ánh tình trạng tuyển giáo viên từ trường đào tạo kém nhưng có bằng khá, bằng giỏi, được ưu tiên cộng điểm nhưng khi được tuyển thì không dạy được... Điều này cũng đang đặt ra vấn đề tuyển chọn và bồi dưỡng lực lượng giáo viên tại hệ thống giáo dục có nhiều bất cập.
“Trước đây, chúng ta có hệ thống trường chuyên lớp chọn, sau này bỏ đi, nhưng đa phần chỉ thay tên gọi, các trường này vẫn là trường chất lượng cao và đã cống hiến cho nền giáo dục nhiều thành tích... Chúng ta đang chống bệnh thành tích trong ngành giáo dục nhưng bấy lâu nay không có những điển hình tiên tiến, tấm gương để cho giáo dục đi theo”.
Cử tri tại xã Dị Nậu, Thạch Thất, Hà Nội. (Ảnh: Hồng Chuyên) |
Lo ngại bỏ thi đại học, cao đẳng "3 chung"
Buổi chiều ngày 22/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri tại xã Vân Hà (Phúc Thọ- Hà Nội). Vấn đề giáo dục tiếp tục là một đề tài "nóng" đối với các cử tri.
Cử tri Bùi Thị Nguyệt (Hiệu trưởng trường THCS Vân Hà- Phúc Thọ) bày tỏ lo lắng về việc bỏ thi đại hoc, cao đẳng "3 chung". Bà cho biết: “Trước đây, khi chưa có thi 3 chung, con em nông thôn chúng tôi rất khó khăn, muốn thi vào trường nào phải tìm đến lò luyện thi có giáo viên của trường đó dạy để hi vọng dễ đỗ”. Cũng theo bà, thi đại học, cao đẳng “3 chung” đã tạo nhiều cơ hội cho con em nông thôn không có điều kiện luyện thi, nếu bỏ sẽ trở lại tình trạng cũ.
Cử tri Bùi Thị Nguyệt đề xuất Đại biểu Quốc hội gửi đến ngành giáo dục không giao quyền đào tạo không đúng chuyên ngành cho các trường không chuyên để đảm bảo nguồn nhân lực phù hợp. Bà lấy ví dụ, hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường nghiên cứu, kỹ thuật nhưng học chứng chỉ sư phạm là có thể tham gia giảng dạy. Theo bà như vậy bất hợp lý vì việc đào tạo giáo viên sẽ khác với đào tạo ngành khác.
Buổi tiếp xúc cử tri tại xã Vân Hà, Phúc Thọ, Hà Nội. (Ảnh: Hồng Chuyên) |
Khi nói về giáo dục, cử tri Đặng Xuân Phú, Chủ tịch UBND Xã Vân Hà (Phúc Thọ) nói về một thực tế: “Học sinh hiện nay rất lười học, nhiều thầy cô giáo sợ học sinh không lên lớp nên chấm điểm cao”. Câu nói này cho thấy một thực tế chua chát của ngành giáo dục, rất cần những đổi mới toàn diện.
Phát biểu tại hai hội nghị tiếp xúc cử trị tại 2 xã trong điểm bầu cử số 8 (xã Vân Hà- Phúc Thọ và xã Dị Nậu- Thạch Thất), Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá cao những đóng góp, chia sẻ của cử tri. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: “Đổi mới căn bản nền giáo dục là vấn đề rất lớn của nước ta, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo là chủ lực nhưng trách nhiệm là của toàn xã hội. Việc thay đổi sách giáo khoa là yêu cầu cấp thiết”.
Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng sẽ chuyển những ý kiến của người dân đến các ngành các cấp, các cơ quan chức năng của Trung ương và Hà Nội để có thể khắc phục những bất cập.