Công chức trẻ có tài, không có chức tước sẽ xin đi
Đây là thực tế được Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với với UBND TP về việc thực hiện chính sách pháp luật trong cải cách bộ máy hành chính giai đoạn 2011-2016 diễn ra vào hôm qua 29/3.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội |
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, hiện nay, TP đã tập trung tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả hơn; việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn ở địa phương để thực hiện chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, vận hành theo tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả” và "một việc - một đầu mối xuyên suốt".
Cụ thể, TP đã rà soát 22 sở và 5 đơn vị tương đương; xác định lại chức năng nhiệm vụ đến từng phòng ban. Sau đó, sắp xếp tổ chức lại bộ máy các đơn vị này. Các sở giảm từ 204 phòng xuống 158 phòng; giảm 266 trưởng phòng và 116 phó phòng; các quận, huyện giảm từ 169 còn 66 đơn vị sự nghiệp; giảm từ 71 xuống còn 41 ban quản lý dự án...
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải kiến nghị cần có cơ chế khuyến khích tự nguyện tinh giản biên chế. Một số trường hợp muốn nghỉ chưa có cơ chế và đặc biệt các trường hợp hạn chế năng lực còn 2 năm muốn nghỉ nhưng cơ chế hỗ trợ còn thấp nên khó thực hiện... Bên cạnh đó, Hà Nội khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm, và hưởng 30% thu nhập của vị trí kiêm nhiệm.
Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đồng tình và khẳng định giảm biên chế là giảm chỗ thừa, người yếu nhưng vẫn phải tập trung cho chỗ cần.
Về vấn đề xắp xếp lại bộ máy, ông Hiểu cho rằng, có thực tế nghe chuyện sáp nhập sở ngành, cán bộ trẻ có năng lực, không thấy còn khả năng lên chức sẽ xin ra ngoài khiến chảy máu chất xám. Với một số bất cập trong quản lý hiện nay, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội đề nghị bộ, ngành đổi mới tư duy; chọn người giỏi làm chính sách; tránh tình trạng không áp dụng được…
“Tinh giảm biên chế không thể cào bằng, không thể khó ở đơn vị này, đơn vị khác mà chia đều các đơn vị đều phải giảm 10% mà tập trung vào chỗ thừa, khâu yếu; các cơ chế cũng cần thông thoáng hơn để các đơn vị tự chủ. Đề nghị các bộ, ngành và Hà Nội xem xét, nghiên cứu phân cấp hơn nữa cho cơ sở để chủ động trong biên chế cơ cấu, tổ chức, sáng tạo, hiệu quả”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.