Công an thu giữ thùng trà đá từ thiện: “Cưỡng chế là chưa hợp lý"
Mấy ngày nay, hình ảnh công an phường đi xe chuyên dụng cưỡng chế thu giữ thùng trà đá miễn phí trên đường Hà Nội khiến cộng đồng bàn tán xôn xao. Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh hình ảnh này. Qua xác minh của báo chí, Công an phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xác nhận là có sự việc trên.
Hình ảnh và chia sẻ của người để thùng trà đá miễn phí trên mạng xã hội |
Để lý giải sự việc và phản ứng của cộng đồng qua góc nhìn pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường:
Mới đây cộng đồng xôn xao về hình ảnh những người mặc sắc phục cảnh sát tịch thu thùng trà đá từ thiện đặt ở gốc cây ven đường. Báo chí đã xác minh hình ảnh đó là có thật. Nhìn hình ảnh đó, luật sư có suy nghĩ, bình luận gì?
Luật sư Đặng Văn Cường: Dưới góc độ pháp lý thì đó là một hành động để thực hiện công vụ của các cán bộ đó. Chưa xét tới thủ tục thu giữ tài sản đó đúng hay sai, nhưng dưới góc độ xã hội thì hình ảnh đó có phần phản cảm, gây ra tâm lý tiêu cực cho nhiều người dẫn đến có những phản ứng tiêu cực từ các trang mạng xã hội.
Về nguyên tắc thì mọi hành vi vi phạm pháp luật đều cần được phát hiện, xử lý để lập lại trật tự, kỷ cương, góp phần ổn định trật tự xã hội. Việc hành xử của người dân cũng như của người thi hành công vụ cũng phải trên cơ sở chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực pháp luật.
Trước pháp luật thì mọi người đều bình đẳng, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý như nhau. Tuy nhiên, người áp dụng pháp luật “không phải là bộ luật biết nói”, việc áp dụng pháp luật sao cho đạt hiệu quả của công tác quản lý đòi hỏi phải sáng tạo, linh hoạt, đảm bảo được mục đích, ý nghĩa của các chế tài pháp luật, như thế mới đạt được hiệu quả trong quản lý.
Trong việc xử lý vi phạm thì giáo dục, thuyết phục luôn được đặt ra hàng đầu để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật của người dân. Phải nói rằng, việc quyên góp tiền mua thùng nước trà đá để thiện nguyện, miễn phí cho người nghèo trên đường phố là một hành động đẹp, đầy tính nhân văn. Hành động này cần được khuyến khích, nhân rộng và cần được sự ủng hộ, cho phép, tạo điều kiện của chính quyền địa phương.
Nếu việc để thùng nước chưa đúng nơi quy định, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới giao thông, trật tự thì các cán bộ quản lý trật tự đô thị hoàn toàn có thể nhắc nhở, hướng dẫn những người có “tấm lòng vàng” này di chuyển, bố trí vị trí thùng nước sao cho hợp lý. Tuy nhiên, trong vụ việc này, lực lượng chức năng đã không thuyết phục, hướng dẫn được người dân có một cách làm tốt hơn mà lại sử dụng “sức mạnh” cưỡng chế để giải quyết vấn đề thì tôi cho rằng không hợp lý, thể hiện sự yếu kém trong công tác vận động, thuyết phục người có “hành vi vi phạm”. Có lẽ chính vì vậy mà dư luận mới không đồng tình với hành vi thu giữ, cưỡng chế không cần thiết này.
Ở Hà Nội, vấn đề lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, bán hàng rong trái quy định vẫn diễn ra rất phức tạp ở nhiều nơi bởi nhiều nguyên nhân khác nhau: Lượng người, gia đình mưu sinh trên vỉa hè không hề nhỏ, văn hóa ngồi uống nước vỉa hè không chỉ có ở người lao động chân tay mà còn cả với cán bộ, trí thức. Ngoài ra, việc buông lỏng quản lý, xử lý chưa nghiêm, chưa công bằng… cũng là những nguyên nhân khiến việc đấu tranh với hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhiều nơi chưa đạt hiệu quả.
Trong vụ việc này thì hành vi để thùng nước đá miễn phí ở vỉa hè, dưới gốc cây vì mục đích tốt đẹp chưa gây ra hậu quả xấu cho xã hội, chưa làm ách tắc giao thông, chưa ảnh hưởng quá lớn tới mỹ quan đô thị nên việc phải áp dụng sức mạnh cưỡng chế, thu giữ là chưa hợp lý.
Xét từ góc độ luật pháp, việc để bình trà đá như vậy có vi phạm quy định của pháp luật không?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại Điều 12, Nghị định 171/2013/NĐ-CP, ngày 13/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì chỉ có hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… để thực hiện mục đích kinh doanh thì mới là hành vi vi phạm hành chính và sẽ bị phạt tiền, kèm theo có thể áp dụng biện pháp hành chính là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Tuy nhiên, nếu chỉ để thùng nước đựng trà đá, kích thước nhỏ, không nhằm mục đích kinh doanh (mà là một hoạt động từ thiện - một “hành động đẹp”), thùng nước đó không gây cản trở giao thông thì không có căn cứ để xử lý theo quy định nêu trên.
Vì vậy, nếu không đồng ý với hành vi thu giữ tài sản nêu trên, người bị thu giữ thùng trà đá miễn phí đó có quyền khiếu nại tới thủ trưởng cơ quan đó hoặc khởi kiện vụ án hành chính tới tòa án có thẩm quyền để khởi kiện đối với hành vi thu giữ tài sản nêu trên theo quy định của luật khiếu nại và luật tố tụng hành chính.
Phải chăng quan điểm của luật sư, việc thu giữ thùng trà đá từ thiện là chưa phù hợp với quy định của pháp luật?
Luật sư Đặng Văn Cường: Như tôi phân tích ở trên, việc thu giữ thùng trà đá từ thiện chỉ đúng khi người để xâm phạm hành lang giao thông, gây cản trở giao thông… Còn trong trường hợp những người để thùng nước từ thiện, miễn phí đó mà xâm phạm hành lang giao thông, gây cản trở giao thông đường bộ hoặc có hành vi khác vi phạm quy định tại Điều 12, Nghị định 171/2013/NĐCP nêu trên thì việc thu giữ, xử lý cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, phải lập biên bản vi phạm tại chỗ và ra quyết định tạm giữ tài sản. Đồng thời, người bị xử lý có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật nếu cho rằng hành vi thu giữ là chưa đúng quy định pháp luật.
Dù là thùng nước miễn phí thì cũng là tài sản theo quy định pháp luật. Quyền sở hữu tài sản được Hiến pháp và các văn bản pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Bộ luật dân sự quy định chủ sở hữu tài sản có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình. Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tạm giữ, tịch thu tài sản hoặc hạn chế quyền của chủ sở hữu tài sản thì phải thể hiện bằng văn bản, bằng các quyết định hành chính, theo trình tự thủ tục luật định, chứ không phải cứ muốn thu là thu, muốn giữ là giữ.
Cụ thể, thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm được quy định tại Điều 81, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này. Theo đó, người thu giữ tài sản phải lập biên bản, ghi rõ số lượng, chủng loại tài sản và giao cho người vi phạm một bản, việc thu giữ cũng phải thể hiện bằng các quyết định hành chính.
Cũng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm chỉ được áp dụng trong các trường hợp thật sự cần thiết theo quy định tại Điều 125 và phải tuân theo trình tự, thủ tục nhất định.
Theo đó, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định những hành vi bị cấm đối với người thi hành công vụ như sau:
“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm
Hành vi vi phạm của người thi hành công vụ sẽ bị xử lý theo Điều 13 về Bồi thường thiệt hại Luật Xử lý vi phạm hành chính."
Luật sư có thể lý tại sao cộng đồng lại có những ý kiến trái chiều về hình ảnh thu giữ thùng trà đá từ thiện, luật sư có lý giải gì?
Luật sư Đặng Văn Cường: Như đã phân tích ở trên, trong tình huống trên chưa đến mức phải tiến hành việc tạm giữ thùng nước trà miễn phí đó.
Nếu việc để thùng nước miễn phí ở nơi đó làm cản trở giao thông, ách tắc giao thông thì cơ quan có thẩm quyền cần động viên, thuyết phục những người có tấm lòng vàng này tìm cách khác để giúp đỡ người nghèo hoặc cơ quan chức năng sẽ phối hợp, bố trí một nơi thuận lợi để những người có tấm lòng hảo tâm này được làm việc tốt, có ích cho xã hội, chứ không nên thu giữ bằng được thùng nước miễn phí này để gây tâm lý bức xúc cho người dân.
Ngoài ra, thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm cũng phải tuân thủ quy định tại Điều 81 và Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nêu trên. Trong trường hợp người thi hành công vụ xử lý sai, vi phạm quy định tại Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính thì phải xin lỗi, cải chính công khai và phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 13 của Luật này.
Có lẽ cộng đồng có ý kiến trái chiều với biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp này là bởi nhiều người thấy việc làm của những người thiện nguyện đó là nhân văn, văn hóa, thể hiện truyền thống lá lành đùm lá rách; khơi dậy lòng tốt, tình thương và cái tâm trong con người. Còn hành vi thu giữ được tiến hành nhanh chóng, quyết liệt mang tính quyền lực, cưỡng chế… gây hình ảnh không tốt, trái chiều với mục đích, ý nghĩa của thùng nước này. Có lẽ vì thế mà dư luận mới lên tiếng.
Xin cảm ơn luật sư!