Có người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hợp tác cùng Mỹ tiêu diệt IS ở Raqqa
Hôm 23/3, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Numan Kurtulmus nhấn mạnh Ankara đã "xây dựng một mô hình" thành công trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Trong thời gian tới, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục triển khai chiến dịch chống IS hoạt động ở Syria.
Sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ góp mặt trong chiến dịch giải phóng thành phố al-Bab và Jarabulus ở Aleppo, ông Kurtulmus cho biết Ankara sẵn sàng hỗ trợ liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu trong đợt tấn công giành lại thành phố Raqqa, khu vực được xem là thủ phủ của IS.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở biên giới Syria hồi năm 2016. |
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ tham gia chiến dịch của Mỹ với các "nhóm đối lập ôn hòa" ở Syria chứ không phải là các tay súng người Kurd.
"Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia chiến dịch của Mỹ. Nhưng nếu lực lượng Đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) cùng tham gia chiến dịch tiêu diệt IS của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ có mặt trong liên minh này", RT dẫn lời ông Kurtulmus.
Ông Kurtulmus cho biết thêm hoạt động chống khủng bố ở Syria được xem là ảnh hưởng tới việc bảo vệ biên giới cũng như an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ đề đưa các tay súng người Kurd tham gia chiến dịch chống IS cũng từng được Mỹ và Nga bàn thảo.
"Nếu nền hòa bình không được thiết lập ở Syria, hòa bình khu vực cũng không tồn tại. Một khi hòa bình khu vực không tồn tại, hòa bình thế giới cũng sẽ không có", quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay coi PYD và Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG) là hai nhóm chủ chốt trong chiến dịch tiêu diệt IS ở phía bắc Syria. Tuy nhiên, PYD và YPG được xem là có mối liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Ankara coi PKK là tổ chức khủng bố đồng thời cáo buộc PKK đứng đằng sau các cuộc nổi dậy của người Kurd ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ cũng coi PKK là tổ chức khủng bố nhưng lại ủng hộ hỗ trợ YPG ở Syria. Về phần mình, Nga không coi PKK và YPG là khủng bố.
Liên quan tới câu hỏi chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ cung cấp các loại vũ khí hạng nặng cho những tay súng người Kurd tham gia chiến dịch chống IS, Thượng nghị sĩ John McCain thừa nhận Mỹ đang đối mặt với "quyết định đầy khó khăn" và sẽ cân nhắc để không làm ảnh hưởng tới quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Washington trong NATO.
Trong khi đó, căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được liên quân của Mỹ và NATO tận dụng để triển khai chiến dịch tiêu diệt IS.