Có một phố Vân Đồn giữa lòng Hà Nội
Nói đến Vân Đồn, nhiều người nhớ ngay đến huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), với những cánh rừng, những núi đá vôi và bờ biển dài. Nhưng ít ai biết rằng, giữa phố xá đông vui tấp nập trong lòng Thủ đô, cũng có một phố Vân Đồn mà trong ký ức nổi tiếng với những hàng hoa phượng đỏ và nghề buôn bán tre, nứa.
![]() |
Phố Vân Đồn ở Hà Nội. Ảnh: NLĐ |
Chạy xe hết đường đê Trần Khánh Dư, rẽ qua một gầm cầu nhỏ, con phố Vân Đồn tấp nập hàng quán, đông vui dần hiện ra. Những cửa hàng bán đồ gia dụng, bán quần áo, những cửa hàng ăn..., cũng bình thường như những con phố khác. Chỉ có điều, những gian hàng nho nhỏ, không được trang trí cầu kì, người dân nơi đây như chỉ kinh doanh, buôn bán để phục vụ nhu cầu của chính họ mà thôi.
Ngồi nói chuyện với cô Lâm - chủ quán trà đá trong phố Vân Đồn, người đã sinh sống ở đây hơn 60 năm, cô tâm sự: “Bố mẹ đẻ cô ở đây, nên ngay từ nhỏ cô đã ở đây rồi. Ngày xưa, quanh đây toàn ao hồ, chỉ có 2 dãy nhà ở hai bên đường, chứ đâu được đông đúc như bây giờ. Sau đó, dần dần những khu ao hồ đằng sau, người ta mới san lấp, để sinh sống, nên phố bây giờ mới sâu về hai bên, mới có các ngõ ngách, chứ không chỉ là hai dãy nhà như xưa”.
Cô Lâm còn nhớ mãi: “Ngày xưa, dọc hai bên phố này toàn trồng hoa phượng, mùa hè đỏ rực cả dãy luôn, đẹp lắm. Nhưng dần về sau, thấy cây phượng không còn hợp lý, người dân sinh sống đông đúc hơn, nên họ chặt hết phượng đi, mở hàng quán kinh doanh, và nay thì chỉ còn những cây trứng cá, cây bàng dọc hai bên đường thôi”. Trong ký ức của cô Lâm, cái tên Vân Đồn không biết có từ bao giờ, nhưng từ lúc cô sinh ra và sống cho tới tận bây giờ, hơn 60 năm, mọi người vẫn chỉ biết tên con phố mình gắn với một trận đánh lịch sử, một bài học lịch sử ngày xưa mà thôi.
Đến gặp bác Phạm Ngọc Hồi (73 tuổi), Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Bí thư chi bộ phường Bạch Đằng, để hỏi về lịch sử của cái tên phố Vân Đồn, bác điềm đạm nói: “Muốn nói đến lịch sử phố Vân Đồn, đầu tiên ta phải nói Vân Đồn - Vạn Kiếp - Bạch Đằng là cùng một lịch sử đánh quân Nguyên.
Từ đó, phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng), cũng lấy tên một con phố là phố Vân Đồn như thế”. Bác Hồi kể tiếp, sau khi quân ta đánh thắng giặc Nguyên, nhà Trần đã rút quân về để đóng đô và đặt tên là Phà Đen. Sau Cách mạng Tháng Tám, do hai bên đường chưa có tên phố, nên một loạt các phố đã ra đời từ đó như: Phố Vân Đồn, phố Cầu Đất, phố Bắc Cổ... Cũng theo lời bác Hồi, ngày xưa đa số người dân ở đây đều là công nhân, làm thuê cho những bến bãi nhiều tàu bè neo đậu quanh đây. Trên dọc hai con phố, bà con buôn bán tấp nập, “trên bến dưới thuyền” đông vui.
Đặc biệt, trước đây ở khu phố còn có những hộ tham gia xây dựng và lập nên “Hợp tác xã mây tre đan”, chuyên sản xuất, buôn bán những đồ dùng thủ công làm từ mây tre đan, như sọt, lồng, phên nứa...”. Giải thích cho nghề này, bác Hồi cho biết: “Trước đây, xung quanh phố có nhiều hồ nước, họ trồng nhiều tre, nứa, nên người dân mới bắt đầu làm nghề đó”. Nhưng hiện nay, do nhu cầu không còn mấy sử dụng, cộng với việc sản xuất không đạt hiệu quả, dần dần, hợp tác xã mây tre đan đã tự động giải thể, những hộ dân trong đó đã quay sang làm những nghề buôn bán khác để mưu sinh.
Nói về phố Vân Đồn hiện nay, bác Hồi nói: “Hiện nay, cả phố Vân Đồn có 8 tổ dân phố, với 2.258 hộ. Đa phần mọi người kinh doanh, buôn bán đủ các mặt hàng, sản phẩm như các con phố khác. Điều khác nhất của con phố Vân Đồn giờ đây, là không còn những hàng phượng đỏ rực hai bên đường nữa. Rời phố Vân Đồn lúc nhá nhem tối, đi qua cầu chui nhỏ, phố Vân Đồn từ từ khuất sau lưng chúng tôi - một phố Vân Đồn yên bình, tấp nập như bao con phố khác giữa lòng Hà Nội.
Nguồn: Báo Quảng Ninh