Chuyện ngày 30/4 của người lính đặc công biệt động Sài Gòn
Nhiệm vụ quan trọng
Như đã thành thông lệ, ngày 19/4 hằng năm, những người lính của Lữ đoàn 316 anh hùng ngày nào lại có dịp gặp gỡ nhau trong cuộc họp mặt truyền thống của Lữ đoàn. Mỗi năm đi qua, lại thiếu vắng đi một vài gương mặt thân quen. Những chàng trai, cô gái đặc công biệt động ngày nào giờ đã trở thành cụ ông, cụ bà.
![]() |
Hình ảnh ngày gặp mặt của lữ đoàn. |
Đến dự họp mặt truyền thống của Lữ đoàn cách đây vài ngày, chúng tôi được gặp người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động Sài Gòn, đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang). Trông từng lời nói, cử chỉ của vị chỉ huy ngày nào ít ai nghĩ ông đã bước qua cái tuổi 86.
Lữ đoàn 316 do đại tá Tư Cang làm Chính ủy trực thuộc Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức thành nhiều tiểu đoàn, phân đội (mỗi đơn vị như vậy có tên gọi bắt đầu bằng chữ Z). Đa số những người lính của Lữ đoàn là con em các gia đình ở Sài Gòn – Gia Định, họ từng chiến đấu tại chiến trường này nên thông thuộc từng ngóc ngách trong thành phố.
Trở lại thời điểm những ngày cuối tháng 4/1975, tại cánh rừng Lộc Ninh – Dầu Tiếng (thuộc hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương ngày nay) Ban chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn phải là lực lượng đi đầu các cánh đại quân, phát huy sở trường của lính đặc công “luồn sâu đánh hiểm”, đánh trước vào một số mục tiêu chủ chốt của địch, “mở mạch máu” cho đại quân tiến vào Sài Gòn.
Đại tá Tư Cang kể lại, cấp trên giao cho lữ đoàn phải đánh vào 5 mục tiêu trong lòng Sài Gòn là: Bộ tổng tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất. Trước khi các cánh đại quân đồng loạt tiến công vào Sài Gòn thì nhiệm vụ chính của lữ đoàn là đánh chiếm và giữ cho bằng được các cây cầu huyết mạch xung quanh thành phố, đảm bảo cho xe tăng, pháo binh của đại quân tiến vào.
Trong nội thành, các đội biệt động được lệnh đánh vào cơ quan đầu não của địch như Bộ tổng tham mưu ngụy, hai căn cứ pháo binh và thiết giáp của địch là Cổ Loa và Phù Đổng (thuộc quận Gò Vấp). Ngoài ra, những tổ võ trang của lữ đoàn xây dựng ở các cửa ngõ thành phố là nòng cốt cho sự nổi dậy trong nhân dân.
“Đó là lối đánh cảm tử, đòi hỏi người lính đặc công biệt động phải có tinh thần sẵn sàng hi sinh, coi thường cái chết mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”, đại tá Tư Cang nói.
Đơn vị Z23 và tiểu đoàn 81 được giao nhiệm vụ nổ súng vào lúc 3 giờ sáng 27/4/1975 đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. Đây là trận đánh mà theo đại tá Tư Cang nhận định là ác liệt và cam go nhất. Cánh Tây, tiểu đoàn 82 và 50 được lệnh chiếm đài phát tín Phú Lâm, đánh vào trường đua Phú Thọ và bốt Nguyễn Văn Cự, đồng thới phát động quần chúng dọc hương lộ 15 nổi dậy. Hướng Bắc, cánh quân có nhiệm vụ đánh hai căn cứ Cổ Loa và Phù Đổng đã sẵn sàng. Z.28 được giao tấn công mục tiêu đặc biệt quan trọng là Bộ tổng tham mưu ngụy. Tất cả các mũi tấn công từ bên trong nội thành Sài Gòn của ta được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Đánh chiếm những cây cầu huyết mạch
Với giọng nói sang sảng, đại tá Tư Cang thuật lại rành rọt những ngày hào hùng của dân tộc cách đây đã 39 năm. Ấy là vào chiều 26/4/1975, ông cùng với đồng chí Mười Tùng (tức Nguyễn Thanh Tùng), Lữ đoàn trưởng lúc bấy giờ, thì cô giao liên trong nội đô chuyển tài liệu đến. Nhận thấy trong nội bộ phía địch có sự xáo trộn về chỉ huy, nên sau khi thảo báo cáo gửi cấp trên, đại tá Tư Cang cùng vị chỉ huy trưởng lữ đoàn và các trợ lý tham mưu tác chiến ngồi bàn luận ở văn phòng. Nói “văn phòng” cho oai chứ thực ra đó chỉ là một đoạn bờ mương tương đối rộng, dưới tán một cây trâm bầu. Mọi người trầm ngâm bên máy vô tuyến điện dõi theo từng bước chân của anh em đặc công đang áp sát Sài Gòn, từng bước siết chặt vòng vây.
![]() |
Nguyên chính ủy Lữ đoàn đặc công biệt động Sài Gòn, đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang). |
Rạng sáng ngày 27/4, vừa chợt mắt được một chút thì đại tá Tư Cang và các chỉ huy nhận được tin cấp báo từ cánh quân phía Đông, phân đội Z.23 và tiểu đoàn 81 đã nổ những phát súng đầu tiên đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. Lính đặc công của ta giao tranh rất ác liệt với quân địch để chiếm giữ bốt gác phía Bắc cây cầu.
Cách đó hàng trăm cây số, phân đội Z.24 đã tràn quân từ Chiến khu Rừng Sác tiến lên quốc lộ 15 chiếm cầu Rạch Bà. Tiếng súng nổ vang trời ở ấp chiến lược Quảng Xuyên. Tiểu đoàn 4 Thủ Đức cũng được lệnh xông lên chiếm cầu Sài Gòn, cây cầu dài và gần Sài Gòn nhất.
Hai cây cầu trọng yếu phía Đông Sài Gòn bất ngờ bị tấn công khiến cho quân địch không kịp trở tay. Chúng kháng cự bằng cách phối hợp nhiều đơn vị như thủy quân lục chiến, biệt động quân, tiểu đoàn dù… nhằm giải quyết nhanh gọn. Tuy chênh lệch về lực lượng cũng như trang bị vũ khí, thế nhưng với tinh thần chiến đấu quả cảm của những người lính biệt động Z.23, sau 1 giờ giao tranh ác liệt đã chiếm được cầu Rạch Chiếc.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là phải giữ cầu đến khi đại quân tiến vào. Nhưng trước sự đáp trả quyết liệt của quân địch, chiến sĩ ta buộc phải rút lui vài trăm mét cố thủ trên bờ rạch. Đến đêm 29/4/1975, sau khi được tổ chức lại, quân ta đã anh dũng chiến đấu chiếm giữ được cầu cho đến khi chiếc xe tăng đầu tiên của Lữ đoàn 203 tiến vào lúc 9 giờ 30 phút sáng 30/4/1975.
Có thể nói, chiến công chiếm giữ các cây cầu trọng yếu, đánh vào các cơ quan đầu não địch của chiến sĩ Lữ đoàn đặc công biệt động Sài Gòn đã góp phần to lớn vào thành công chung chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. “Đó là một trong nhiều chiến thắng quan trọng thể hiện tinh thần chiến đấu anh dũng, bất khuất của quân và dân ta, tất cả chỉ để mong chờ một điều duy nhất là hòa bình về trên đất Mẹ”,vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Tư Cang nói.