"Thủy quái" Vàm Nao cùng giai thoại cá sấu 5 chân thành tinh

"Dòng nước chảy xiết, đáy sông sâu với nhiều hang hốc nên Vàm Nao đã kéo theo các loài cá “khủng”, nặng hàng trăm ký từ sông Mê Kông tìm về trú ẩn như cá hô, cá tra dầu, cá vồ cờ, cá nược, cá đuối, cá đao, cá mập, cá sấu"

Miền Tây có hàng ngàn con sông, rạch, trong đó có những dòng sông rất lớn như sông Tiền, sông Hậu, Mê Kông, Vàm Cỏ… Nhưng, có một con sông chỉ dài chưa đến 7km, lại rất nổi tiếng. Đó là sông Vàm Nao ở An Giang.  

Giai thoại cá sấu 5 chân thành tinh

Theo chân ngư dân trẻ Hồng Sơn, chúng tôi tìm đến nhà lão ngư Hai Lý, ở xóm chài Bình Thủy, huyện Phú Tân, An Giang. Năm nay đã ngót 80 tuổi, gần trọn đời gắn bó với dòng Vàm Nao, lão ngư Hai Lý kể: “Sông Vàm Nao có nhiều chỗ sâu đến mấy sợi dây thừng, tức khoảng 30m, nhiều đoạn nước xoáy, đủ sức nhấn chìm một chiếc ghe lớn. Dòng nước chảy xiết, đáy sông sâu với nhiều hang hốc nên Vàm Nao đã kéo theo các loài cá “khủng”, nặng hàng trăm ký từ sông Mê Kông tìm về trú ẩn như cá hô, cá tra dầu, cá vồ cờ, cá nược, cá đuối, cá đao, cá mập, cá sấu”.

Con cá tra dầu “khủng” ngư dân bắt được trên sông Vàm Nao



Lão ngư Hai Lý kể tiếp: “Ông bà tôi kể, gọi sông là Vàm Nao vì khi mùa lũ qua, ngã ba sông này nhìn nước chảy như thác cuộn, ghe tàu nào cũng khiếp, sợ bị lật nên nao lòng, thối chí, bởi thế mới có câu “Đố ai ve được con đò Vàm Nao”. Thời nhà Nguyễn, thấy tên gọi nghe buồn quá nên đã đổi tên sông là Thuận Giang, nhưng dù gọi thế nào nó vẫn mãi là sông tử thần. Những năm lũ lớn, ghe tàu qua ngã ba sông Vàm Nao hay bị sóng lưỡi búa đánh chìm, cứ cách vài ngày lại nghe văng vẳng tiếng khóc, kêu cứu”.

Con cá đuối “khủng” bắt được trên sông Vàm Nao



Nói một hồi, ông Hai Lý nhỏ giọng, nét mặt tỏ vẻ nghiêm trọng: “Vàm Nao là con sông linh nhất miền Tây, có “ông” muôn đời trầm mình, trấn yểm đáy sông. Những người ăn ở ác, chạy ghe qua đây, “ông” chỉ cần ngoác cái miệng ra là nước xoáy mạnh, thuyền ghe lớn cỡ nào cũng chìm”.

Tôi ngạc nhiên: “Ông là ai chú?”, ông Hai Lý tiếp tục nhỏ giọng: “Đó là con cá sấu 5 chân thành tinh, không bao giờ chết, do một người tên là Đình Tây ở vùng Thất Sơn nuôi. Sau đó “ông” thoát ra ngoài, bơi đến vùng sông Vàm Nao. Thân hình “ông” lớn đến mức nằm lấp hết cả đáy sông. Người ta không dám gọi thẳng tên ông mà gọi là ông Năm Chèo. Hồi còn nhỏ xíu, mỗi khi chú làm gì sai là ông bà nội lại “hù”: “Không ngoan là coi chừng “ông” Năm Chèo bắt đi đó”. Lúc đó, biết “ông” Năm Chèo là ai đâu. Lớn lên, mỗi lần có ghe chìm, người ta lại bảo, bị “ông” bắt vì ở ác”.

Do nước chảy xiết nên bên bờ sông Vàm Nao thường xảy ra những trận lở kinh hoàng. Mỗi lúc như vậy, người ta lại đồn rằng do “ông” cựa mình, quẫy đuôi. Còn nguyên nhân khiến dòng chảy xiết là do ông Năm Chèo… thở mạnh tạo ra, ngã ba Vàm Nao dữ tợn bởi nằm ngay cửa họng ông Năm Chèo. Cũng có người cho rằng nhìn bản đồ sông Vàm Nao có hình thù như cá sấu. Cũng có chuyện kể rằng có nhóm thợ săn sấu từ miệt U Minh ỷ tài lên Vàm Nao bắt Năm Chèo lấy tiếng nhưng rốt cuộc kẻ mất mạng, người chạy trối chết... Cũng có người cho rằng đó chỉ là những câu chuyện dân gian đồn thổi nhưng ghe thương hồ hay ngư dân mỗi khi đi ngang Vàm Nao, đều phải thắp hương khấn vái kính cẩn.

Con cá cây vàng

Cách đây 2 - 3 chục năm, ngư dân ở làng chài Bình Thuỷ có nhiều triệu phú nhờ nghề săn bắt cá hô, loài cá “tiến vua”. Lão ngư Sáu Viên, 74 tuổi, ở xóm chài này là một trong số đó. Ông là một trong những ngư dân giữ “kỷ lục” về số lượng cá hô bắt được với hơn 50 con, trong đó nhiều nặng trên 1 tạ. Ông đã bỏ nghề săn cá hô nhưng ký ức về loài cá khủng này vẫn đầy ắp.


Đã lâu những tấm lưới cá hô này không ướt nước sông Vàm Nam



Ông Sáu Viên bảo, Vàm Nao ngoài cá mập, cá sấu, còn một loài cá khác hung tợn không kém, đó là cá bông gấm. Loài cá có sắc bông vằn vện như con báo gấm, nhìn rất đẹp, to như súc gỗ dài khoảng 2m. Cá bông gấm đi săn mồi thành bầy ngót chục con. Trâu bò bơi qua sông bị cá cắn lôi xuống sông. Còn người bơi hay tắm sông hoặc bị đắm tàu xuồng thì chúng lao tới xâu xé. Hồi đó, do bị cá ăn thịt hoài nên người ta đi tìm thầy trị, sau được một ông thầy ở miệt Kiên Giang chỉ cách dùng trái bí đao già luộc chung với dây thuốc cá rồi liệng xuống sông. Ruột bí đao giữ nhiệt lâu, cá sấu, cá mập nuốt phải, vừa bỏng ruột, vừa ngấm độc, chết. Cá bông gấm bu lại xâu xé xác cá cũng bị trúng độc chết theo.

“Riêng cá hô, mặc dù rất to, có khi nặng cả ngót 2 tạ, nhưng lại rất hiền, chỉ ăn rong rêu, tép cá. Đặc biệt là chúng rất mạnh. Một cú quẫy đuôi có thể làm nước chảy xoắn lại ào ào. Vì thế, các loài cá dữ chẳng con nào lại gần chúng được. Cá hô lạ lắm. Thấy nó lội đó nhưng không phải ngư dân nào quăng chài, bủa lưới là bắt được. Bởi thế, phải có cái duyên, và phải tuân theo “luật” riêng của ngư dân. Một trong những tục đó là người nào mới vào nghề, con cá hô đầu tiên bắt được dù lớn hay nhỏ phải khao cả xóm”, ông Sáu kể.

Ông Sáu cho biết, thời hoàng kim của nghề săn cá hô, chỉ riêng việc đầu tư lưới đã hết mấy cây vàng. Không phải ngư dân nào cũng có bạc sắm lưới cá hô được. Ông nói tiếp: “Nhưng nếu là tay sát cá thì chỉ cần một mùa bắt được 2 con là dư sức huề vốn. Một con cá bán xong mua được mấy cây vàng, một mùa bắt được vài con cá coi như có bạc triệu xài rủng rỉnh năm này qua năm kia. Còn nếu xui không bắt được con nào thì nợ chồng nợ, phải bán lưới trả nợ. Mà chuyện này lại hay xảy ra trên đất cù lao này. Lắm ngư dân thấy bắt cá hô tưởng dễ nên vay tiền, hỏi mượn vàng cây mua lưới. Tới ngày thả lưới, ruột gan héo hon khi lưới bên dính cá hô khổng lồ, còn lưới mình nhẹ tênh”.

Cá bông lau đuôi vàng, một trong những loài cá đặc sản của sông Vàm Nao



Ông Sáu kể, con cá hô to nhất ông săn được cách đây hơn 30 năm, nặng 170kg. “Lần đó, vợ chồng tôi kéo lưới, thấy mặt nước phun bong bóng lên như nồi nước sôi lớn, rộng một khoảnh cả chục mét. Kéo lưới không nhúc nhích, vợ chồng tôi xanh mặt, tưởng bị “ông” quở phạt gì, giữ lưới lại, nên vội vàng khấn vái. Sau đó tiếp tục kéo thì được, nhưng quá nặng, phải gọi thêm mấy ghe bạn đến kéo phụ. Bất ngờ từ dưới nước vọt lên con cá hô lớn cỡ chiếc xuồng. Tôi la lên cho người ta tới tiếp ứng… cả tiếng sau mới không chế được con cá khủng. Lần đó, sau khi bán cá, gửi quà cáp cho những người phụ mình, còn để dành được 2 cây vàng”, ông Sáu kể.

Theo chân ngư dân Hồng Sơn ra sông Vàm Nao khi xóm chài đã lên đèn, mặt nước yên ả, lặng như tờ. Ánh đèn từ những ngôi nhà bên bờ hắt xuống mặt nước lung linh. Ngọn gió quất vào mặt mát lạnh. Anh Sơn bảo: “Mùa này nước yên lắm. Nhưng người ta bảo, vì cá khủng hết rồi nên sông cũng bớt sóng lớn”.

Ngư dân Hồng Sơn và con cá mè Vinh mới câu được trên sông Vàm Nao.


Bây giờ, Vàm Nao đã vắng bóng nhiều loài cá khủng như bông gấm, cá nược, cá mập, cá sấu, riêng cá hô vẫn còn, lâu lâu mới có người may mắn bắt được. Những tay “sát thủ” cá hô một thời như Sáu Viên, Hai Lý, Năm Thứ, Tư Hung, Bảy Thạnh… đã gác lưới cá hô.

Lão ngư Sáu Viên bảo, đã theo nghề săn cá hô là phải sống với loài cá này, nó như một lời nguyền. Còn nếu chán nản vì bắt không được cá mà bán lưới cá hô, mua lại lưới cá khác thì sẽ không đánh bắt được con nào. Vì lời nguyền đeo đẳng ấy mà nhiều ngư dân nhìn thấy bạn trong nghề giàu lên với nghề bắt cá hô nhưng không dám theo con cá khổng lồ vì sợ vướng lời nguyền.
Theo nongnghiep

Ngôi nhà sàn được làm từ 500 khối gỗ lim, mất hơn 2 năm mới hoàn tất

Nhà sàn gỗ lim lớn nhất Việt Nam từ lâu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn khi du khách đến với TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Ngôi làng ở Hưng Yên, người dân phất lên nhờ đi khắp cả nước mua thứ đồ 'bỏ đi'

Hơn 30 năm qua, kinh tế của người dân ở làng Khoai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) phát triển mạnh mẽ, nhiều người thành tỷ phú nhờ đi khắp cả nước mua thứ người khác bỏ đi như nhựa, nilon.

Có con trâu hiếm, lão nông miền Tây thu hút hơn 200 người đến xem mỗi ngày

"Lúc đến mua, chỉ cần nhìn qua là tôi ưng ngay, bộ lông mượt, ánh mắt linh hoạt và khoang khoáy (xoáy trên mình trâu) rất đẹp", ông Càng kể về con trâu hiếm của mình.

Cụ ông 80 tuổi qua đời, con cháu phát hiện 'kho tiền' được chôn dưới lòng đất

Sau khi qua đời, gia đình ông tình cờ phát hiện ra số tiền lớn nhưng khi đào lên thì tiền bị mốc, hỏng hơn một nửa.

Ngôi làng tỷ phú ở Vĩnh Phúc, người dân 'hái ra tiền' xây lâu đài nhờ một nghề

Tại xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có một ngôi làng nhỏ nhưng biệt thự mọc lên như nấm. Người dân quanh đây gọi nơi này là làng tỷ phú.

Chuyện khó tin trong căn biệt thự bỏ hoang ở Vĩnh Phúc

Được xây dựng cách đây gần 20 năm, căn biệt thự trên thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang bị bỏ hoang.

Kỳ lạ phiến đá 'nở hoa' ở Quảng Nam, người dân hiếu kỳ lo hiện tượng thời tiết

Thời gian gần đây, người dân xứ Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) xôn xao chuyện một tảng đá "nở hoa" trên dòng sông Trạm.

Giấc mơ cứu cả làng và những huyền tích ly kỳ ở công trình 200 năm tuổi Cần Thơ

Ông Bảy kể, thời khai hoang mở đất, nhiều người bị bệnh nhưng chữa không khỏi. Một hôm, ông từ nằm mơ thấy cụ già bảo dân làng lấy vỏ cây nấu nước uống.

Huyền tích người phụ nữ đập đầu kêu oan cho chồng và phiến đá kỳ lạ ở Thanh Hoá

Quyết tâm tìm bằng được xác chồng để kêu oan, nàng Bình Khương hết lần này đến lần khác lao vào tường đá đến nỗi khắp người bầm tím, tứa máu.

Tico Travel - Điểm sáng trong ngành du lịch Việt

Với mục tiêu trở thành công ty du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp hàng đầu Việt Nam, đem tới những hành trình nghỉ dưỡng trọn vẹn, Tico Travel đã và đang góp phần mang tới những giá trị tốt đẹp cho mỗi khách hàng.

Đang cập nhật dữ liệu !