Chiếc máy bay ở cù lao Ông Hổ

Hổng có miệt nông thôn nào “sở hữu” chiếc máy bay “hàng thật, giá thật” như xứ cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên).

Bà con ở đây có người chưa từng đi máy bay lần nào, nhưng hàng ngày đi qua, đi lại Khu lưu niệm (KLN) Chủ tịch Tôn Đức Thắng đều có thể nhìn thấy chiếc máy bay hoành tráng YAK40 VNA452 đang “đậu” trong sân. Nhìn riết rồi quen mắt, chiếc máy bay trở thành một phần không thể thiếu của xứ cù lao này !

Chiếc máy bay trong Khu lưu niệm

Với người dân địa phương thì vậy, còn với du khách phương xa đến viếng KLN lại cảm thấy “choáng ngợp” trước chiếc máy bay. Họ thích thú hỏi nhau và hỏi hướng dẫn viên về nguồn gốc xuất xứ, ý nghĩa của máy bay, rồi hào hứng chụp ảnh lưu niệm. Gần đó, chiếc ô tô Peugeot 404 (phương tiện đưa rước Bác Tôn đi làm việc ở Hà Nội) càng làm nổi bật sự to lớn, bắt mắt của "anh bạn" YAK40. Ông Huỳnh Văn Tiến (45 tuổi, khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh) cứ mãi trầm trồ: “Tôi không nghĩ rằng khi về thăm quê Chủ tịch Tôn Đức Thắng, một cù lao nhỏ như vậy lại có thể nhìn thấy nhiều hiện vật quý giá, nhất là chiếc máy bay đã từng chở Bác. Những hiện vật này làm chúng tôi dễ hình dung về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn hơn là đọc sách, xem hình tư liệu”.

Dành thời gian tìm hiểu, nhưng tôi nhận được khá ít thông tin về chiếc máy bay này. Chỉ biết, cách đây 11 năm, Trung tướng Nguyễn Khánh Châu (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) và đại diện Cục A41 đã làm lễ bàn giao chiếc máy bay YAK40 VNA452 cho KLN. Đây là chiếc chuyên cơ gồm 40 chỗ ngồi, dài 23m, tải trọng khoảng 10 tấn, đã được 15 công nhân của Cục A41 trùng tu, chỉnh sửa lại. Quý ở chỗ, đây là phương tiện Bác Tôn thường dùng đi công tác. Ngày 15-5-1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bác Tôn từ Hà Nội đã lên chuyên cơ này bay thẳng vào Sài Gòn tham dự Đại lễ mừng ngày chiến thắng. Tổ lái chuyến bay này gồm 3 người: lái chính Hoàng Liên; lái phụ Trần Tiến Dũng, dẫn đường Đoàn Minh Hội.

Chiếc máy bay được đưa từ sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) về KLN Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bà Nguyễn Thị Mỹ Diệu, Phó Giám đốc Ban Quản lý KLN Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhớ lại: “Lúc đó, tôi cũng may mắn được tận mắt chứng kiến. Chiếc máy bay được tháo rời hoàn toàn, để lên xe tải vận chuyển từ Liên Khương về. Đến địa phận tỉnh nào sẽ được bàn giao để tỉnh đó phối hợp vận chuyển, bảo vệ. Đến Long Xuyên, lại phải chở máy bay bằng chiếc phà của bến phà An Hòa (chứ không phải phà Ô Môi thường qua lại đôi bờ Mỹ Long - Mỹ Hòa Hưng). Để có chỗ trưng bày chiếc máy bay, chúng tôi phải đốn bớt một số cây trong khu vực KLN. Sau đó, lực lượng chuyên môn Phòng Kỹ thuật của sân bay Tân Sơn Nhất trực tiếp lắp ráp chiếc máy bay một cách kỳ công. Khoảng 1 tháng sau, đến ngày 28-7-2007, việc lắp đặt mới hoàn thành”.

Ông Tôn Long Bạch (45 tuổi) là cháu đời thứ 4, kêu Bác Tôn bằng “ông cồ”. Chẳng có dịp được gặp người ông vĩ đại của mình, nhưng ông Bạch lại được chứng kiến việc lắp đặt chiếc máy bay: “Hồi đó giờ, người dân làm gì biết máy bay ra sao, nên nghe nói “đang ráp máy bay ở KLN ”, mọi người xúm lại coi đông lắm. Cảm giác chung của tôi và mọi người là vui mừng vì quê mình có thêm một kỷ vật liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Còn tôi, phải nói là diễm phúc lắm mới được làm con, cháu của Người. Bác có công với đất nước, nên con, cháu cũng được hưởng một phần vinh dự, quê hương Mỹ Hòa Hưng ngày càng được sung túc!”. Trong câu chuyện giữa chúng tôi, ông Bạch tỏ ra ngại ngần khi không thể cung cấp được nhiều tư liệu hơn về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, do thuộc thế hệ “sinh sau đẻ muộn”. Thế nhưng, niềm tự hào về người ông đã mất vẫn tràn ngập trong từng câu nói của ông Bạch. Ông tự dặn lòng mình rằng, vừa là một nhân viên bảo vệ ở KLN, cũng là con, cháu của Người, bản thân phải làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình, giữ gìn những dấu tích của Bác Tôn.

Giờ đây, chiếc máy bay vẫn đang thực hiện sứ mệnh làm vật chứng, giúp du khách xa gần hình dung một phần về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Theo mưa nắng thời gian, màu sơn đã phai, động cơ dần rỉ sét, nhưng YAK40 VNA452 vẫn vững chãi yên vị ở một góc cù lao, dường như hòa mình vào không gian yên bình của miền quê ấy. “Chúng tôi đã xin phép Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), chờ ý kiến trả lời để tiến hành trùng tu lại chiếc máy bay theo hướng phục hồi nguyên trạng. Rất mong cấp trên xem xét, tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện việc trùng tu hàng năm. Có như thế mới bảo quản và gìn giữ kỷ vật lưu niệm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được lâu dài” - bà Diệu chia sẻ.

Một số thông tin về lịch sử của máy bay: được chế tạo từ năm 1960 tại Liên Xô, do tổng công trình sư Yakovlev thiết kế. Năm 1978 sản xuất được 1.011 chiếc sử dụng trong các chuyến bay nội địa của Liên Xô và 21 hãng hàng không trên thế giới. Trong đó có 125 chiếc xuất khẩu sang 18 nước, Việt Nam được Liên Xô tặng 4 chiếc. Hiện nay còn 411 chiếc sử dụng trong 25 hãng hàng không trên thế giới. Các tham số kỹ thuật chính của máy bay: tổ lái 3 người; số lượng khách: 32 người; sử dụng 3 động cơ AI-25 có lực đẩy 1.500 kg/động cơ. Tốc độ hành trình 470km/h. Tầm bay 1.800km (chiều xa). Trần bay 8.000m (độ cao cao nhất).

Theo Khánh Hưng/ An Giang online

Cụ ông 80 tuổi qua đời, con cháu phát hiện 'kho tiền' được chôn dưới lòng đất

Sau khi qua đời, gia đình ông tình cờ phát hiện ra số tiền lớn nhưng khi đào lên thì tiền bị mốc, hỏng hơn một nửa.

Ngôi làng tỷ phú ở Vĩnh Phúc, người dân 'hái ra tiền' xây lâu đài nhờ một nghề

Tại xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có một ngôi làng nhỏ nhưng biệt thự mọc lên như nấm. Người dân quanh đây gọi nơi này là làng tỷ phú.

Chuyện khó tin trong căn biệt thự bỏ hoang ở Vĩnh Phúc

Được xây dựng cách đây gần 20 năm, căn biệt thự trên thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang bị bỏ hoang.

Kỳ lạ phiến đá 'nở hoa' ở Quảng Nam, người dân hiếu kỳ lo hiện tượng thời tiết

Thời gian gần đây, người dân xứ Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) xôn xao chuyện một tảng đá "nở hoa" trên dòng sông Trạm.

Giấc mơ cứu cả làng và những huyền tích ly kỳ ở công trình 200 năm tuổi Cần Thơ

Ông Bảy kể, thời khai hoang mở đất, nhiều người bị bệnh nhưng chữa không khỏi. Một hôm, ông từ nằm mơ thấy cụ già bảo dân làng lấy vỏ cây nấu nước uống.

Huyền tích người phụ nữ đập đầu kêu oan cho chồng và phiến đá kỳ lạ ở Thanh Hoá

Quyết tâm tìm bằng được xác chồng để kêu oan, nàng Bình Khương hết lần này đến lần khác lao vào tường đá đến nỗi khắp người bầm tím, tứa máu.

Tico Travel - Điểm sáng trong ngành du lịch Việt

Với mục tiêu trở thành công ty du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp hàng đầu Việt Nam, đem tới những hành trình nghỉ dưỡng trọn vẹn, Tico Travel đã và đang góp phần mang tới những giá trị tốt đẹp cho mỗi khách hàng.

Người đàn ông Nam Định có móng tay dài 1m, sở hữu biệt tài nhiều người nể

Ông Lưu Công Huyền ở Nam Định có sở thích nuôi móng tay dài. Hiện tại, móng tay của ông dài 1m, sinh hoạt có chút bất tiện.

Người Nhật thưởng tiền để nhân viên lên văn phòng, đi ăn trưa cùng đồng nghiệp

Để tăng sự kết nối và tương tác trong đời thực, người Nhật thưởng tiền để nhân viên lên văn phòng, đi ăn trưa cùng đồng nghiệp.

Cụ ông 101 tuổi ở Long An dựng nhà mồ, sống một mình cùng 7 ngôi mộ

Không muốn vướng bận người con gái còn lại duy nhất, cụ ông sắp bước sang tuổi 102 dựng tạm nhà mồ, một mình sống cùng 7 ngôi mộ.

Đang cập nhật dữ liệu !