Nhìn lại quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Hà Lan

Đến năm 2018, Hà Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại EU.

Trong bốn tháng đầu năm 2018, thương mại hai chiều đạt 2,3 tỷ USD (tăng gần 13% so với cùng kỳ 2017), Hà Lan trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU).

Năm nay, hai nước Việt Nam và Hà Lan kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 45 năm (9/4/1973 - 9/4/2018), Việt Nam và Hà Lan đã cùng hợp tác, phát triển trong hòa bình và thịnh vượng, trên nền tảng lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau. 

Về quan hệ song phương, Hà Lan là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao, mở Đại sứ quán tại Việt Nam vào năm 1976 và cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Quan hệ Việt Nam - Hà Lan bắt đầu khởi sắc từ những năm đầu của thập kỷ 1990, khi khu vực Đông Nam Á bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, trong đó có Hà Lan. 

Kể từ năm 1993 đã có rất nhiều các chuyến thăm, trao đổi đoàn giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, qua đó tạo cơ sở tăng cường quan hệ hữu nghị tin cậy và hợp tác tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, tiêu biểu là các chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Phan Văn Khải (2001), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2011 và 2014), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2017), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (2018) và các chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo Hà Lan như Thủ tướng Wim Kok (1995), Thái tử Willem Alexander (2005 và 2011), Thủ tướng Mark Rutte (2014).

Thông qua các chuyến thăm, nhiều cơ chế hợp tác song phương đã được hai nước thông qua, nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác quan trọng được ký, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. 

Việt Nam và Hà Lan là hai quốc gia ven biển có vị trí chiến lược, có vùng đồng bằng rộng lớn và phải đối mặt với những thách thức về biển đổi khí hậu và nước biển dâng. Hai nước có quan hệ hợp tác tốt đẹp và lâu dài về nông nghiệp.

Những điểm tương đồng đó đã đưa quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan từ mối quan hệ đối tác thông thường, phát triển thành Quan hệ đối tác Chiến lược về Biến đổi Khí hậu và Quản lý Nước vào năm 2010 và Quan hệ đối tác chiến lược về Nông nghiệp Bền vững và An ninh lương thực vào năm 2014.

Các thoả thuận đối tác chiến lược đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Jan Peter Balkenende ký kết vào tháng 10/2010 và trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Mark Rutte tới Việt Nam vào tháng 6/2014. Với thỏa thuận trên, Hà Lan trở thành đối tác chiến lược ngành đầu tiên của Việt Nam.

Trong những năm qua, Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn dài hạn; Chương trình Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng ra biển, giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Các cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Hà Lan trong lĩnh vực này được tổ chức hằng năm, đến nay, đã là Phiên họp Ủy ban liên chính phủ lần thứ sáu (Hà Lan, 3/2017). Hà Lan cũng thực hiện nhiều dự án về cung cấp nước và quản lý nguồn nước tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam như Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Dương. 

Với kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến, Hà Lan đang từng bước giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo an toàn lương thực, trong đó có chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực rau, hoa quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; phát triển chuỗi ngành hàng rau quả, cà phê. Từ đó đến nay, quan hệ hai bên phát triển không ngừng, toàn diện trên tất cả các mặt và ngày càng đi vào chiều sâu, nhằm mục đích phát triển quan hệ đối tác bình đẳng và cùng có lợi. 

Từ tháng 1/2014, quan hệ Việt Nam - Hà Lan đã chuyển từ hợp tác phát triển sang “đối tác thương mại”, đặt trọng tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại khá lớn và tăng đều hàng năm khoảng trên 20%. Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 6,68 tỷ USD, và trong năm 2017 đạt 7,7 tỷ USD. Trong bốn tháng đầu năm 2018, thương mại hai chiều đạt 2,3 tỷ USD (tăng gần 13% so với cùng kỳ 2017), Hà Lan trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU).

Về đầu tư, hiện Hà Lan xếp thứ 11 trong số 116 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với 304 dự án có tổng số vốn đăng ký là 8,17 tỉ USD và là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn hoạt động hiệu quả như De Heus, Friesland Campina, Peja Vietnam, Heineken, Unilever, Royal Dutch Shell, Akzo Nobel, Philips... Về phía Việt Nam đã có bảy dự án đầu tư vào Hà Lan với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,5 triệu USD. 

Cùng với việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, Việt Nam và Hà Lan còn mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác. Về hợp tác quốc phòng song phương, tháng 9/2011, hai bên đã ký MOU hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Hai bên đang triển khai các chương trình hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng. 

Trong lĩnh vực văn hóa, nhiều hoạt động văn hóa, ẩm thực, văn nghệ đã được tổ chức liên tục ở cả hai nước, đặc biệt vào dịp kỷ niệm 40 và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tiêu biểu như Trình diễn Quan họ-Hầu đồng tại Hà Lan vào tháng 9/2017, ra mắt Đặc sản và trình diễn âm nhạc dân tộc nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan tại Hà Lan vào tháng 3/2018, triển lãm tranh phong cảnh Việt Nam, Ngày Ẩm thực Việt Nam tại Hà Lan vào tháng 7/2018; triển lãm ảnh Ngày Hà Lan tại các thành phố của Việt Nam năm 2018...

Cộng đồng hơn 20.000 người Việt Nam đang sinh sống, hội nhập thành công tại Hà Lan cũng đóng một vai trò không thể thiếu trong mở rộng giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Lượng khách du lịch qua lại hai bên tăng dần theo từng năm, riêng sáu tháng đầu năm 2018, lượng du khách Hà Lan vào Việt Nam tăng 17%. 

Về hợp tác giáo dục - đào tạo, hợp tác chặt chẽ giữa các trường đào tạo và Bộ giáo dục hai nước trong lĩnh vực nước, an ninh lương thực..., và việc triển khai các dự án, sáng kiến giáo dục song phương Hà Lan - Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc thay đổi về giáo dục ở Việt Nam. Trong 45 năm qua, hơn 60 trường Hà Lan và hơn 120 cơ sở đào tạo của Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục bậc đại học.

Tài trợ và học bổng của Hà Lan cho Việt Nam ước tính khoảng 90 triệu euro (tương đương 105 triệu USD). Văn phòng Hỗ trợ giáo dục Hà Lan (NUFFIC NESO Vietnam) chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006 đã góp phần thúc đẩy thông tin học bổng, kết nối lưu học sinh...

Hiện nay có khoảng 1000 sinh viên Việt Nam theo học tại Hà Lan, con số này tăng lên hàng năm. Các trường đại học và Viện giáo dục Hà Lan đang tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam để tăng số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sang Hà Lan học tập. 

Về giao thông vận tải, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác quan trọng về vận tải hàng không, hàng hải, phát triển và quản lý cảng... Trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác này, các bộ ngành hai nước đã tổ chức nhiều diễn đàn, chương trình hợp tác trong chuỗi giá trị ngành hàng không và đang hình thành chương trình hợp tác trong chuỗi giá trị ngành hàng hải - cảng - vận tải nội thủy.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Sigrid Kaag vào tháng 2/2018, Bộ trưởng Sigrid Kaag và Thứ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Công thống nhất thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực GTVT, đặc biệt là hàng không, hàng hải, vận tải thủy nội địa… Hai bên đã ký Bản thỏa thuận hợp tác giữa nhóm công tác vận tải thủy, hàng hải và cảng biển Việt Nam - Hà Lan.

Bên cạnh đó, hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân hai nước đã bước đầu đạt kết quả tích cực, tiêu biểu là Liên doanh hợp tác giữa Tập đoàn Damen với các công ty đóng tàu đối tác Việt Nam, đặc biệt là với Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) trong việc xây dựng nhà máy đóng tàu Damen - Sông Cấm. 

Về hợp tác giữa các địa phương, hai bên đã thiết lập được các cặp quan hệ đối tác giữa các tỉnh, thành phố như: Hà Nội - Amsterdam, TP Hồ Chí Minh - Rotterdam, Bình Dương - Emmen và Eindhoven, Vĩnh Long - Gelderlards, An Giang - Oss, Đồng Tháp - Emmen, Bình Phước - Hoogeven. Quan hệ hợp tác địa phương đang được hai bên thúc đẩy mạnh mẽ thông qua việc xác định khuôn khổ, ưu tiên hợp tác trên cơ sở thế mạnh và khả năng bổ trợ cho nhau. 

Về hợp tác đa phương, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên tiếp xúc gặp gỡ nhau bên lề các hội nghị quốc tế, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế đa phương. Cụ thể, hai nước ủng hộ nhau ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2016 và Hà Lan nhiệm kỳ 2015-2017), vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Hà Lan nhiệm kỳ 2017-2018 và Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021). Hà Lan ủng hộ Việt Nam vào Ủy ban Ranh giới thềm lục địa 2012-2017 và Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018. Việt Nam ủng hộ Hà Lan ứng cử Tổng thư ký Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) nhiệm kỳ 2016-2021. 

Bước sang giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0, nhiều thách thức chung toàn cầu đặt hai nước trước cơ hội mới, đó là cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, nông nghiệp, giáo dục và khoa học công nghệ… Trong chính sách đối với châu Á và khối ASEAN, Hà Lan luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên.

Nhà nước, Chính phủ và các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam cũng ủng hộ chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, mở rộng hợp tác với Hà Lan. Trong xu thế đó, trên cơ sở thế mạnh và nhu cầu của hai nước, các thỏa thuận hợp tác song phương đạt được trong chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 7/2017 và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào tháng 3/2018 đã đặt dấu mốc quan trọng, định hướng quan hệ hợp tác của hai nước và tạo tiền đề cho hợp tác ở tất cả các cấp trong tương lai.

Trong năm 2017-2018, hai nước đã và đang tiếp tục tích cực triển khai các chương trình hợp tác trong khuôn khổ đối tác chiến lược và các lĩnh vực mà hai nước ưu tiên và đã thỏa thuận bao gồm (1) thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, (2) nông nghiệp và an ninh lương thực, (3) năng lượng, (4) kinh tế biển và dịch vụ vận tải; (5) thành phố thông minh và từng bước mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác. 

Thực tế 45 năm quan hệ hợp tác đã cho thấy Việt Nam và Hà Lan là những đối tác quan trọng, giàu tiềm năng của nhau. Cộng thêm những thành tựu hợp tác tốt đẹp mà hai nước đã đạt được, quan hệ Việt Nam - Hà Lan còn nhiều động lực để phát triển toàn diện trong tương lai. 

Về triển vọng quan hệ hợp tác của hai nước trong thời gian tới, Đại sứ Ngô Thị Hòa nhận định rằng quan hệ hợp tác Việt Nam - Hà Lan là một mối quan hệ đối tác năng động và hiệu quả dựa trên sự tin cậy về hợp tác chính trị, quan hệ thương mại-đầu tư vững mạnh và hợp tác đa dạng trong nhiều lĩnh vực.

Khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với Biến đổi khí hậu - Quản lý nước và Nông nghiệp bền vững - An ninh lương thực Việt Nam - Hà Lan là mô hình hợp tác đúng hướng và sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, cho phép hai bên cùng chia sẻ, hợp tác để đối mặt với những thách thức to lớn ở hiện tại và trong tương lai. 

Trên cơ sở các thế mạnh của nhau, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác tập trung vào các ưu tiên sau: Thứ nhất, tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp để làm tiền đề hậu thuẫn cho các mối quan hệ hợp tác khác thông qua duy trì tiếp xúc cấp cao và trao đổi đoàn các cấp cả trong khuôn khổ song phương và đa phương.

Thứ hai, triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược đang có trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu - quản lý nước và nông nghiệp bền vững - an ninh lương thực, mở rộng, hình thành những cơ chế hợp tác thiết thực, hiệu quả trong các lĩnh vực có tiềm năng như khoa học - công nghệ, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo..., tiến tới xây dựng Đối tác chiến lược toàn diện.

Thứ ba, tăng cường hoạt động văn hóa, ngoại giao nhân dân để tạo sự hiểu biết lẫn nhau và gắn kết giữa nhân dân hai nước.

Thứ tư, tăng cường quan hệ hợp tác giữa địa phương với địa phương nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa hai bên. 

Đại sứ Ngô Thị Hòa nói bà rất cảm kích trước thiện chí và sự hợp tác chặt chẽ của phía Hà Lan, đặc biệt là Quốc hội, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Cơ sở Hạ tầng, Bộ Nông nghiệp Hà Lan, cùng giới doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dành cho các đối tác và nhân dân Việt Nam.

Hy vọng rằng với những nỗ lực của tất cả các bên, các mục tiêu hợp tác lớn trong tương lai sẽ được hiện thực hóa để quan hệ đối tác chiến lược về quản lý nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực được triển khai hiệu quả; ngày càng có nhiều mô hình tiên tiến của Hà Lan trong quản lý cảng biển, hàng không, giao thông đường thủy, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ cao, thành phố thông minh..., được ứng dụng vào Việt Nam; quan hệ hợp tác giữa các tỉnh và thành phố hai nước ngày càng mở rộng; các bạn Hà Lan và quốc tế hiểu biết thêm về Việt Nam; và quan hệ nhân dân giữa hai nước ngày càng gắn bó.

Với truyền thống tốt đẹp, sự hiểu biết lẫn nhau, và tinh thần hợp tác rộng mở, quan hệ hai nước Việt Nam và Hà Lan sẽ ngày càng phát triển bền chặt và khăng khít hơn, mang tới lợi ích cho cả hai bên.

Lam Giang

Nhiều tư liệu quý hiếm khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam

Bộ sách gồm 6 cuốn với nhiều tư liệu quý khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam vừa được Nhà xuất bản TT&TT giới thiệu nhân dịp kỷ niệm 35 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2023).

Điều khoản 'cấm' tiết lộ với người đòi tiền 'gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm'

Trong khi nhiều khách hàng gửi tiết kiệm ngân hàng bị biến thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ Manulife vẫn chật vật đi đòi tiền, có một số người đã được trả lại tiền nhưng buộc phải ký cam kết không được tiết lộ với bên thứ ba.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam ra mắt 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO

Ngày 8/1, Học viện Nông nghiệp Việt Nam ra mắt 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025:2017 với hàng trăm chỉ tiêu phân tích đạt chứng nhận Vilas.

Chạy bộ tiếp sức xuyên Việt gây quỹ phẫu thuật nụ cười trẻ em

Một nhóm các VĐV chạy bộ phong trào gồm 10 người đang thực hiện chạy bộ xuyên Việt từ cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) đến mũi Cà Mau với mục đích gây quỹ phẫu thuật nụ cười, đồng hành cùng Tổ chức Phẫu thuật nụ cười (Operation Smile).

Ba bài học kinh nghiệm rút ra trong thực tiễn điều hành năm 2022 của NHNN

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra hôm 03/01/2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm rút ra trong thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ năm 2022.

Chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định quan điểm điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Hỗ trợ 28 địa phương khắc phục hậu quả thiên tai

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1661/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022.

Cậu sinh viên có duyên với những tủ sách thiện nguyện

Những ngày đầu một mình đạp xe đi gom sách ủng hộ, Thái Hải Đăng, cậu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chẳng dám nghĩ hành trình “Sách đến tay em” lại có thể kéo dài và được nhiều người ủng hộ như bây giờ.

Năm 2022, đội tàu cá ở Đà Nẵng khai thác đạt trên 33.000 tấn tổng sản lượng

Năm nay do ảnh hưởng của thời tiết trên biển phức tạp, chi phí chuyến biển tăng cao…nhưng sản lượng khai thác thuỷ sản của Đà Nẵng vẫn đạt trên 33.000 tấn.

Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu từ ngày 1/1/2023

Từ 1/1/2023, thuế bảo vệ môi trường với xăng là 2.000 đồng một lít, các mặt hàng dầu (trừ dầu hoả) và mỡ nhờn là 1.000 đồng, theo Nghị quyết vừa được thông qua.

Đang cập nhật dữ liệu !