Quyết tâm thay đổi cách làm kinh tế
Ông Hoàng Văn Phúc ở bản Phiêng Phát, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu là một trong những hộ thoát nghèo và trở nên khá giả nhờ cây chè.
Cách đây gần 10 năm, vùng đất của gia đình ông Phúc là vùng đất bạc màu trồng cây lương thực không có hiệu quả nên ông và hàng trăm gia đình đã chuyển sang trồng cây chè.
Những ngày đầu trồng chè, ông Phúc gặp rất nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu kiến thức về trồng trọt cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng chè. Tuy nhiên, ông Phúc vẫn cố gắng tháo gỡ từng bước một.
Nhờ các chính sách của trung ương, địa phương như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nông thôn mới các chương trình khác, gia đình ông Phúc được vay vốn để phát triển sản xuất cây chè.
Từ một gia đình khó khăn về kinh tế, sau 5 năm gia đình ông Phúc đã có khoản thu nhập từ chè khoảng 30 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền mà 10 năm trước có nằm mơ ông cũng không nghĩ ra có thể làm ra trên mảnh đất bạc màu Tân Uyên.
Không những tự sản xuất, ông Phúc còn mang lại công ăn việc làm cho nhiều người dân trong xã với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Không chỉ là hộ sản xuất kinh doanh giỏi, có thu nhập cao từ cây chè, ông Phúc còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn người dân sử dụng các sản phẩm sinh học trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để tạo sản phẩm sạch, an toàn.
Ông Phúc cho biết hàng năm UBND xã cũng hỗ trợ hết sức bà con trồng chè. Gia đình không có phân cho ứng phân, thiếu vốn hỗ trợ vốn, tạo điều kiện để mọi người cùng xoá đói, giảm nghèo.
![]() |
Cây chè trở thành cây giảm nghèo ở Tân Uyên. |
Cây mũi nhọn để giảm nghèo
Từ các mô hình trồng chè mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Tân Uyên đã xác định cây chè sẽ là cây mũi nhọn để người dân thay đổi cơ cấu cây trồng thay các loại cây lương thực có hiệu quả kinh tế thấp.
Ông Sùng A Sàng, xã Hồ Mít, huyện Tân Uyên cho biết năm 2016 ông được vận động trồng cây chè. Ông Sàng đã chuyển hết phần đất nông nghiệp của gia đình sang trồng chè. Từ đó, kinh tế gia đình bắt đầu có thu nhập khá hơn. Từ hộ nghèo, gia đình ông đã có thể sản xuất phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo.
Được biết, gia đình ông được Phòng Nông nghiệp huyện vận động và liên kết với công ty chè để được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, phân bón. Nếu trồng đúng theo hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái của công ty thì công ty sẽ thu mua toàn bộ chè, không phải lo đầu ra.
Ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc công ty Chè Hồng Đức, huyện Tân Uyên, Lai Châu cho biết hiện nay công ty vẫn triển khai hỗ trợ cho bà con Tân Uyên trồng chè. Có khoảng 4000 lao động được có việc làm và thu nhập ổn định nhờ cây chè.
Hàng năm, huyện Tân Uyên vẫn thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng chè để bà con có thể phát triển sản xuất với cây chè.
Nhiều người dân tộc thiểu số trước đây chưa biết làm kinh tế thì đến nay họ đã có thể tự trồng chè và bước đầu có thu hoạch.
Tân Uyên hiện có hơn 3.000ha chè, trong đó có gần 2.100ha chè đang trong giai đoạn kinh doanh; sản lượng chè búp tươi đạt 16.988 tấn, vượt 25% so với kế hoạch đề ra. Những năm qua, cây chè không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn là cơ hội để nông dân trong huyện vươn lên làm giàu, xóa đói, giảm nghèo.
Có thể nói, những người nông dân nơi đây đã nỗ lực vươn lên, thay đổi tư duy, cách nghĩ trong lao động sản xuất trở thành triệu phú từ cây chè.
Khánh Chi
HOẶC ĐĂNG NHẬP NHANH BẰNG TÀI KHOẢN
Quên mật khẩu?
Gửi lại mã xác nhận