![]() |
Hà Giang vẫn nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. |
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về Kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cho thấy, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đạt và vượt mục tiêu đề ra, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn cao trên 20%, một số tỉnh miền núi còn trên 30%, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước.
Báo cáo cũng đánh giá, bên cạnh những thành tích đã đạt được, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung phát huy được hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao như chính sách hỗ trợ nhà ở, chính sách đầu tư nguồn nhân lực cho người dân tộc thiểu số, chính sách cử tuyển chưa gắn với sử dụng sau đào tạo,…
Còn tồn tại sự thiếu gắn kết giữa hỗ trợ đời sống, phát triển sản xuất với chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư; nguồn lực thực hiện chính sách vẫn còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ độ để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo dân tộc thiểu số.
Đáng lưu ý, Chính phủ cũng nhấn mạnh mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn còn thấp và dàn trải (trung bình khoảng 01 tỷ đồng/xã/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo năm 2019 và năm 2020 được tăng định mức lên 1,213 tỷ/xã/năm).
Tỷ lệ các công trình giao cho cấp xã làm chủ đầu tư ở một số địa phương còn thấp. Đối với các công trình thuộc Chương trình 135, mặc dù các địa phương đã chú trọng phân cấp cho xã làm chủ đầu tư nhưng tại một số địa phương, số công trình giao cho cấp xã làm chủ đầu tư còn thấp như Yên Bái 38%, Sơn La 39%, Lai Châu 40%, Bắc Kạn 43,6%.
N. Huyền
HOẶC ĐĂNG NHẬP NHANH BẰNG TÀI KHOẢN
Quên mật khẩu?
Gửi lại mã xác nhận