Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Theo CDC Ninh Thuận, 14 ca bệnh Covid-19 mới ở làng gốm Bàu Trúc đều là F1, hàng xóm của BN55971, BN55973 và có quan hệ bà con, dòng họ. Như vậy, kể từ khi phát hiện chùm 3 ca đầu tiên ở chợ Bàu Trúc ngày 19/7, làng gốm cổ truyền Bàu Trúc đã ghi nhận 49 ca nhiễm. Được biết, Ninh Thuận đã quyết định phong tỏa làng gốm Bàu Trúc từ tối 20/7, sau khi phát hiện chùm 18 ca bệnh. Như vậy tính đến 18h ngày 22/7, Ninh Thuận đã có 102 bệnh nhân Covid-19.
Đáng chú ý, nhiều ca bệnh tại Ninh Thuận được phát hiện thông qua lấy mẫu ngẫu nhiên (chợ Bàu Trúc, Phú Quý, Bình Quý và Long Bình). Trong đó, riêng tại thị trấn Phước Dân đã phát hiện thêm một chùm 3 ca mắc Covid-19. Điều này cho thấy dịch đang lây nhiễm trong cộng đồng ở Ninh Thuận, điều chưa từng diễn ra trong 3 đợt dịch Covid-19 trước đây.
Làng nghề Bàu Trúc nằm ven quốc lộ 1A thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 10km về hướng Nam, một địa chỉ du lịch nổi tiếng của khu nam miền Trung nắng gió sau 3 lần đầu an bình thì nay chính thức trở thành tâm dịch. Những gương mặt buồn thiu của người Chăm nơi đây càng trở nên đìu hiu hơn, sau khi địa phương chính thức áp dụng phong tỏa theo Chỉ thị 16.
![]() |
Ninh Thuận đã quyết định phong tỏa làng gốm Bàu Trúc từ tối 20/7. |
Làng gốm Chăm thất thu
Theo Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Ninh Thuận, gốm Chăm hiện nay còn hiện diện chủ yếu ở hai làng là Ligok (Trì Đức, tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận). Trong đó, tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay, Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa, với tuổi đời hơn 9 thế kỉ.
Chính nhờ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm hoàn toàn thủ công, toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng nên làng gốm Bàu Trúc đã trở thành địa chỉ du lịch không chỉ được trong nước mà khách du lịch quốc tế biết đến. Nhờ nghệ thuật làm gốm truyền thống bao đời của người Chăm, nên dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, Bàu Trúc vẫn giữ được hồn cốt và sự tinh túy vốn có của một làng nghề cổ. Làng nghề không chỉ là biểu tượng, nó còn là bảo tàng sống những giá trị văn hóa còn sót lại của cộng đồng người Chăm tại miền Trung.
Được biết, làng gốm Bàu Trúc hiện có 975 hộ (trong đó có 300 hộ làm gốm) nơi tập trung đa số đồng bào Chăm sinh sống. Nghề làm gốm đang ngày càng phát triển, trong làng có 1 hợp tác xã, 2 công ty và 60 cơ sở sản xuất gốm hoạt động thường xuyên, tạo ra nhiều dòng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng gốm trang trí nhà vườn của các gia đình, khách sạn, resort trên toàn quốc và xuất khẩu ra nhiều nước. Không chỉ đổi mới sản xuất, làng gốm Chăm Bàu Trúc còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm – phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, cùng chịu cảnh đìu hiu chung của ngành du lịch, làng gốm Bàu Trúc cũng gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2020 đến nay, các nguồn thu từ du lịch, sản xuất gặp ảnh hưởng, thất thu nghiêm trọng.
Theo thống kê của CDC Ninh Thuận, từ chiều 16/7, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định khoanh vùng, giãn cách xã hội trên toàn tỉnh Ninh Thuận trong vòng 15 ngày, từ 0h ngày 17/7 đến 0h ngày 31/7. Trước đó, từ ngày 3/7 đến 15/7, trên địa bàn phát hiện 27 người mắc Covid-19 nên địa phương đã phải ra chỉ thị giãn cách nhằm khoanh vùng dịch bệnh.
“Nguồn lây Covid-19 ở Ninh Thuận được xác định từ các trường hợp người dân ở một số tỉnh, thành phố khác về địa phương. Địa bàn có ca lây nhiễm là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước. Lịch trình đi lại của F0 rất phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng có nguy cơ tăng nhanh…”, CDC Ninh Thuận kết luận.
Nam Phương
HOẶC ĐĂNG NHẬP NHANH BẰNG TÀI KHOẢN
Quên mật khẩu?
Gửi lại mã xác nhận