Ngày 25/6, UBND thành phố Hà Nội đã có báo cáo số 169/BC-UBND, kết quả thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) quý II/2020.
Qua rà soát, trên địa bàn thành phố có 83.712 cơ sơ sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ, lẻ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 5.000ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát. Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Tổng số nhân lực làm công tác ATTP có khoảng 12.000 người, trong đó có khoảng 280 cán bộ chuyên trách ATTP, còn lại là cán bộ kiêm nhiệm, tham gia vào công tác ATTP.
Trên địa bàn thành phố đã hình thành hơn 1.800 siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn. Thành phố cũng đã duy trì hiệu quả các chương trình, mô hình điểm về ATTP như bảo đảm ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, ATTP tuyến phố văn minh tại 30/30 quận, huyện, thị xã; tuyến phố ATTP có kiểm soát tại 12 quận, huyện; kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại 15 quận, huyện, thị xã; nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể tại trường học...
Trong quý II/2020, toàn thành phố cũng cấp được 301 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 178 giấy tiếp nhận công bố, 35 giấy xác nhận nội dung quảng cáo, 85 giấy xác nhận kiến thức, tiếp nhận 2.028 bản tự công bố sản phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra ATTP cũng được chú trọng quan tâm. Trong quý II/2020, thành phố tổ chức trên 800 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, triển khai quyết liệt hoạt động thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP. Theo đó, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 27.727 lượt cơ sở, phát hiện cơ sở vi phạm, phạt tiền là 1.905 cơ sở với số tiền phạt là 6,94 tỷ đồng.
N. Huyền
HOẶC ĐĂNG NHẬP NHANH BẰNG TÀI KHOẢN
Quên mật khẩu?
Gửi lại mã xác nhận