Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị một bệnh nhân ngộ độc chì mạn tính do dùng thuốc nam.
Đó là trường hợp bệnh nhân nữ, 32 tuổi, tiền sử chưa phát hiện bệnh lý trước đó. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh táo, da niêm mạc nhợt, đau bụng thượng vị nhiều, buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày.
Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám, khai thác kĩ tiền sử bệnh nhân có dùng rất nhiều loại thuốc nam, thuốc bắc khác nhau.
Lý do là vì, khoảng 5 tháng nay, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau bụng vùng thượng vị từng cơn, đặc biệt hay đau ban đêm, ăn uống kém, có lúc buồn nôn và nôn.
Bệnh nhân đã đi khám tại một số nơi được chẩn đoán viêm dạ dày, cho đơn thuốc ngoại trú về uống nhưng không đỡ. Vì thế người phụ nữ này đã uống cả thuốc nam với thuốc bắc với mục đích cho “khỏe”.
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm, nội soi dạ dày có hình ảnh viêm trợt dạ dày, nội soi đại tràng bình thường, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng chưa phát hiện bất thường.
Xét nghiệm máu có tình trạng thiếu máu mức độ nhẹ (huyết sắc tố : 94 g/L, bình thường: 120-160 g/L), xét nghiệm huyết đồ: xuất hiện hình ảnh hồng cầu chấm bazo.
Đây là hình ảnh đặc trưng trong một số bệnh như thalassemia, ngộ độc kim loại nặng, đặc biệt là ngộ độc chì.
Kết hợp tiền sử, tình trạng huyết đồ và tính chất cơn đau bụng của bệnh nhân, bác sĩ chẩn đoán đây có thể là trường hợp ngộ độc chì mạn tính, dẫn đến tình trạng thiếu máu và cơn đau bụng “chì”.
Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm đo nồng độ chì trong máu, kết quả xét nghiệm nồng độ chì trong máu là 63.1 micogam/dl (bình thường <10 micogam/dl).
Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc chì mạn tính/ Viêm dạ dày, và đang được điều trị theo phác đồ, bệnh tiến triển tốt lên.
![]() |
Nguy cơ ngộ độc chì từ thuốc nam không rõ nguồn gốc |
Đây không phải trường hợp đầu tiên bị ngộ độc chì do thuốc nam. Trước đó, Trung tâm Chống độc- Bệnh viện Bạch Mai cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc chì do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Đó là trường hợp bệnh nhân là Lê Văn N bị chứng rối loạn mồ hôi chân tay, nhập viện sau 2 tuần uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc với các biểu hiện mệt mỏi, vàng da và mắt...
Qua thăm khám và xét nghiệm, các bác sỹ tại Trung tâm chống độc đã xác định được nguyên nhân có nguồn gốc từ chì có trong viên Hồng đơn (một dạng thuốc y học dân tộc không có nguồn gốc rõ ràng).
Hay một cháu bé 1 tuổi cũng phải vào Trung tâm Chống độc- Bệnh viện Bạch Mai do bị nhiễm độc chì do mẹ cháu sử dụng thuốc cam màu đỏ về bôi hăm và trị lở loét.
Cháu nhập viện trong tình trạng còi cọc, yếu ớt, da xanh xao, gia đình cho đi khám và được chẩn đoán là thiếu máu. Mặc dù được truyền máu liên tục trong 2 năm trước đó nhưng thể trạng bé vẫn rất còi cọc.
Trung tâm chống độc cũng đã xét nghiệm thuốc bé đã dùng, kết quả cho thấy, trong loại “thuốc cam” màu đỏ này có hàm lượng chì cao.
Các chuyên gia lưu ý, ngộ độc chì thường do hấp thu chì qua đường tiêu hóa, ở nước ta rất hay gặp do uống các thuốc nam, đặc biệt là các loại thuốc tễ không rõ nguồn gốc như Mẫu đơn, Chu sa, Thần sa (trong thành phần có kim loại nặng hàm lượng cao)...
Biểu hiện của bệnh thường là các dấu hiệu và triệu chứng do tổn thương gây độc tế bào đối với nhiều cơ quan, đặc biệt là về hệ tiêu hóa: chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón.
Nếu ngộ độc nặng có các biểu hiện của suy gan, suy thận, mệt mỏi, vàng da, tiểu ít, thậm chí vô niệu, xét nghiệm thấy men gan, bilirubin, ure, creatinin máu tăng dần.
Ngoài ra có thể gặp các dấu hiệu khác về thần kinh trung ương như đau đầu, kích động, ảo giác nhưng thường ít gặp hơn.
Th.BSNT Vũ Xuân Diệu, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, cho biết nguyên nhân ngộ độc chì thường do sử dụng thuốc cam, thuốc sài không rõ nguồn gốc, môi trường nghề nghiệp, thực phẩm...
Về điều trị, tùy mức độ bệnh, mức độ nặng sẽ có điều trị hồi sức, điều trị đặc hiệu (thuốc gắp chì) còn mức độ nhẹ sẽ được điều trị triệu chứng và theo dõi nồng độ chì trong máu, và đặc biệt phải xác định được nguyên nhân gây tình trạng nhiễm độc để khắc phục. Vì thế, người dân không nên dùng các thuốc cam, thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc...
Đặc biệt,khi bị nhiễm độc chì, cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế tin cậy để khám và điều trị, hết sức tránh dùng các loại thuốc y học dân tộc có nguồn gốc không rõ ràng.
Nếu có dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ cần tới trung tâm chống độc để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
N. Huyền
HOẶC ĐĂNG NHẬP NHANH BẰNG TÀI KHOẢN
Quên mật khẩu?
Gửi lại mã xác nhận