Chức năng và nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình
Ảnh minh họa. |
Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền lợi phòng khám bác sĩ gia đình gồm:
Khám bệnh, chữa bệnh: Sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; Thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh;
Tham gia hệ thống chuyển tuyến: Là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị;
Tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cuối đời như phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu; Tham gia giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trong cộng đồng dân cư; Tham gia các chương trình tiêm chủng, các chương trình y tế quốc gia; Hướng dẫn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm;
Tham gia quản lý bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật; có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế.
Phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe: Gồm Tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho các đối tượng có nhu cầu; Thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng, vật lý trị liệu tại phòng khám; Hướng dẫn luyện tập sức khỏe, phục hồi chức năng và dưỡng sinh cho cộng đồng để nâng cao sức khỏe.
Tư vấn sức khỏe: Gồm Tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp về khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân và cộng đồng; Tham gia truyền thông, giáo dục sức khỏe để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh tích cực và chủ động, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh, tật.
Nghiên cứu khoa học và đào tạo: Gồm Nghiên cứu khoa học về y học gia đình và các vấn đề liên quan; Tham gia công tác đào tạo chuyên ngành y học gia đình; Tham gia các chương trình đào tạo liên tục của chuyên ngành y học gia đình để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn.