Chưa sang Mỹ, ông Tập Cận Bình đã bị ông Trump "phủ đầu"
Trung Quốc
Trước thềm chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện sự cứng rắn của chính quyền mới khi viết trên Twitter rằng Hoa Kỳ không nên chịu đựng những thâm hụt thương mại lớn và tỷ lệ thất nghiệp cao thêm nữa.
“Cuộc họp vào tuần tới với Trung Quốc sẽ rất khó khăn vì chúng ta không những bị thâm hụt thương mại mà còn mất việc làm. Các công ty Mỹ phải chuẩn bị xem xét các giải pháp thay thế khác”, ông Trump đăng trên mạng xã hội Twitter hôm 30/3.
Ông Trump cáo buộc Trung Quốc thi hành các chính sách thương mại không lành mạnh. Nếu cuộc thảo luận không mang lại kết quả tốt đẹp, ông Trump nói rằng Washington có thể xem xét các thị trường khác ngoài nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này.
Bình luận trên của ông chủ Nhà Trắng có thể làm mối quan hệ Mỹ - Trung trở nên phức tạp, khó đoán trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tuần tới tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Trong quá khứ, ông Trump từng khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phật ý khi tố Bắc Kinh “thao túng tiền tệ”, cũng như cho phép Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán với Đài Loan.
Trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Trump đã có lời "nhắn nhủ" trên Twitter. Nguồn: Reuters |
Nga
Ngày 30/3, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết Nhà Trắng đã mời các thành viên Cộng hòa và Dân chủ cấp cao của các Ủy ban tình báo Hạ viện và Thượng viện Mỹ xem xét thông tin mới liên quan đến cuộc điều tra Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trả lời giới truyền thông, ông Spicer cho hay: “Đã có thông tin xuất hiện và chúng tôi muốn đảm bảo rằng những người đang tiến hành xem xét sẽ có được thông tin đó. Chúng tôi đã mời họ xem xét thông tin này trong trạng thái bảo mật”.
Ông Spicer cũng khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ thẳng thắn trong cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ về khả năng các thành viên trong đội ngũ chuyển giao của ông Trump có quan hệ với giới chức Nga.
Sắc lệnh hạn chế nhập cư
Theo CBS, các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 30/3 đã nộp đơn kháng cáo tại Tòa phúc thẩm khu vực số 9 ở San Francisco với nỗ lực cứu vãn sắc lệnh di trú sửa đổi của Tổng thống Trump. Tòa phúc thẩm khu vực số 9 cũng là nơi đã ra phán quyết duy trì việc đình chỉ lệnh cấm nhập cư đầu tiên của ông Trump hồi tháng trước.
Tổng thống Trump ngày 6/3 đã ký một sắc lệnh di trú sửa đổi với mong muốn khắc phục các vấn đề về pháp lý còn tồn đọng từ sắc lệnh đầu tiên do ông ký hồi tháng 1. Ngày 15/3, một ngày trước khi sắc lệnh có hiệu lực, thẩm phán tòa án liên bang ở Hawaii, ông Derrick Watson đã ra phán quyết tạm ngưng thực thi sắc lệnh của Tổng thống trên toàn quốc.
Không chỉ dừng lại ở đó, Thẩm phán Watson ngày 29/3 tiếp tục ra quyết định chuyển lệnh cấm tạm thời trước đó thành một lệnh cưỡng chế sơ bộ của tòa án. Theo đó, lệnh cấm nhập cư thứ hai của ông Trump sẽ bị kéo dài vô thời hạn, thay vì chỉ tạm thời như trước đây, trong khi vụ kiện vẫn đang được tranh luận tại tòa. Chỉ sau đó một ngày, chính quyền của ông Trump đã quyết định kháng cáo lên Tòa phúc thẩm khu vực số 9.
Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ ngày 30/3 cho biết cơ quan này phản đối mạnh mẽ phán quyết của tòa liên bang. “Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống, vốn nằm trong thẩm quyền hợp pháp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, đã bị chặn. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục bảo vệ sắc lệnh này trước tòa”, người phát ngôn nhấn mạnh.
NAFTA
Trong nỗ lực sửa chữa lại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump sẽ hướng tới sự cân bằng về thuế và khả năng tái áp đặt thuế xuất nhập khẩu nếu hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico “gây tổn hại nghiêm trọng” cho ngành công nghiệp Hoa Kỳ.
Syria
Theo đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, chính sách đối ngoại của Mỹ tại Syria sẽ không còn tập trung vào việc buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực nữa. Đây vốn là tiêu chí đầu tiên từ thời chính quyền Obama khi Washington bắt đầu công cuộc can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria.