Chủ tịch Quốc hội: "Chuyển tiền khó đến đại sứ còn phải kêu"
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phản ảnh thực trạng trên với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khi thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối vào sáng 18/3.
Trên cơ sở pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh ngoại hối được nêu ra, UBKT Quốc hội đã nêu lên 4 vấn đề cần bàn bạc: Vấn đề liên quan đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; vay và trả nợ vay của người cư trú; vấn đề đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam; chống tình trạng “đô la hóa”.
Về nội dung thứ nhất, Chủ nhiệm UBKT Quốc hội ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số các ý kiến nêu lên trước đó đều nhất trí với quy định NHNN hướng dẫn các hoạt động chuyển vốn hợp pháp. Bên cạnh đó UBKT cũng tán thành phương án không hạn chế cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài nhưng giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Cử tri nước ngoài phản ánh việc chuyển tiền về Việt Nam dễ, nhưng lấy ra đầu tư lại khó khăn |
Đối với người cư trú là cá nhân nước ngoài được mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Với nội dung thứ tư, UBKT nhất trí với quan điểm, không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân. Đồng thời giao Chính phủ xây dựng đề án có lộ trình chống tình trạng đô la hóa theo các Nghị quyết của Đảng.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, khi đi tiếp xúc cử tri đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài, cử tri có phàn nàn về chuyện chuyển tiền về và rút tiền đi.
“Họ phản ánh rằng khi chuyển tiền về Việt Nam kinh doanh thì thuận lợi lắm. Nhưng khi họ lấy tiền từ Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài lại rất khó. Khi sửa đổi một số điều Pháp lệnh ngoại hối có cần cởi mở gì không? Tôi cho rằng cần phải cởi mở để tạo điều kiện hơn nữa để họ tham gia đầu tư ra nước ngoài” – Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lấy dụ dụ với Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel, việc đầu tư ra nước ngoài sinh lời rất lớn. Thế nhưng thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài cho họ cũng rất khó.
“Ngày còn làm Phó Thủ tướng, tôi đã quyết định phải chuyển cho họ ngay trong buổi chiều. Các giấy phép, thủ tục liên quan sẽ duyệt sau. Nếu không duyệt ngay, sẽ hết thời hạn và rất có thể sẽ bị mất cơ hội. Thủ tục phức tạp như vậy thì có sửa gì không? Có cải thiện gì không? Chủ trương chống tình trạng “đô la hóa”, lần này có làm chặt hơn không? Có cấm tiệt kiểu thanh toán bằng đô la không?” – Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề với Thống đốc NHNN.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng phản ánh tình trạng gửi tiền về Việt Nam dễ là "không đúng lắm" |
Trước ý kiến phản ánh tình trạng gửi tiền về Việt Nam dễ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng “phản ánh đó không đúng lắm”. Theo thống đốc Bình, nguồn tiền chuyển từ nước ngoài về được thực hiện qua nhiều con đường khác nhau. “Nhưng bằng con đường chính thức thì không nhiều, vì cái này người ta kiểm soát rất chặt khiến việc chuyển tiền qua con đường chính thống rất khó khăn, và phải qua con đường khác”.
Thống đốc Bình nói thêm, trước thực trạng này một số ngân hàng trong nước đã cho mở chi nhánh tại nước ngoài như ở Đức, Nga. Nhưng do không nghiên cứu kỹ nên quá trình hoạt động của các chi nhánh ngân hàng tại đây gặp khó khăn. Nhưng đây cũng là một kênh để bà con người Việt làm ăn ở nước ngoài thực hiện giao dịch thuận lợi hơn.
Biết những khó khăn trong việc chuyển tiền của Tập đoàn Viettel mà Chủ tịch Quốc hội đề cập, nhưng Thống đốc Bình cho rằng, lúc đó trong các quy định, và ngay cả trong luật về đầu tư không cũng có, hay thông tư hướng dẫn cũng không đề cập nên NHNN không thể triển khai được. Trong Luật ngoại hối lần này cũng đưa nội dung này vào để triển khai. Vì ngoài Viettel, còn nhiều DN khác đã đầu tư ra ngoài lãnh thổ, điển hình tại một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia.
“Trước đây CP đã phải có hướng dẫn riêng đối với ngành dầu khí Việt Nam. Khi đầu tư ra nước ngoài, họ phải ứng trước nhiều tiền để tham gia được các hợp đồng đấu thầu. Nhưng nếu quy định như vậy sẽ rất lẻ tẻ. Lần này sẽ đưa vào luật ngoại hối, đưa vào luật đầu tư ra nước ngoài” – ông Bình cho biết.
Đối với câu chuyện chống “đô la hóa”, người đứng đầu NHNN khẳng định đã đưa ra những nội dung hết sức cụ thể. Việc thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam ghi rõ không được “đô la hóa” mà phải thực hiện bằng VNĐ.
Trước phủ định của Thống đốc Bình quanh việc chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa khẳng định: “Cử tri nước ngoài bảo dễ là có cơ sở. Anh Bình bảo không phải vậy, chứng tỏ thủ tục hành chính trong nước cần phải cải cách. Cứ chặn tiền đủ kiểu để người ta không làm ăn được là không được đâu. Các đại sứ còn kêu chứ đừng nói đến cử tri”.
“Tôi nói như vậy là để đề phòng thông tư của anh. Ví dụ chuyện của Viettel. Khi tôi quyết phải chuyển tiền cho họ. Các đồng chí bảo sẽ cho làm ngay và bảo tôi phải chịu trách nhiệm. Tôi nhất trí. Trong trường hợp ấy có thể sẽ phát sinh rủi ro, nhưng làm thủ trưởng thì phải quả quyết chứ?” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.