“Cát tặc” ở Tây Nguyên – Dân mất hàng chục ha đất mà chẳng biết kêu ai
Khi việc nhắc nhở không mang lại hiệu quả, chính quyền địa phương cũng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc này. Một số người dân do quá bức xúc đã dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, gây thương tích cho người khai thác cát và phải vướng vòng lao lý.
Sông sạt lở, dân mất đất vì cát
Trên địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có nhiều con sông lớn chảy qua như Krông Ana, Sêrêpốk, Krông Nô…. Ngoài việc cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện hay phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, những con sông này còn có trữ lượng cát rất lớn, mang lại lợi ích thiết thực đối với nhu cầu xây dựng của địa phương.
Tình hình sạt lở đang diễn biến phức tạp tại địa phận buôn Mliêng, xã Đắk Liêng. |
Ngày trước, bà con chỉ khai thác cát bằng cách thủ công, chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu xây dựng của từng gia đình. Về sau, có nhiều cơ sở, doanh nghiệp đầu tư hẳn những tàu thuyền lớn, thực hiện việc khai thác cát một cách quy mô nhằm mục đích kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tế là có một số doanh nghiệp lạm dụng việc khai thác cát, bất chấp hậu quả đã khiến nhiều con sông bị “biến dạng”, hai bên bờ sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc khai thác cát bừa bãi cũng là nguyên nhân khiến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bà con bị mất trắng.
Điển hình như trường hợp tại xã Buôn Choah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Từ năm 2016 trở về trước, đây là điểm nóng về vấn nạn khai thác cát lậu trên địa phận sông Krông Nô và đầu nguồn sông Sê-rê-pốk. Theo ước tính của chính quyền địa phương, “cát tặc” là nguyên nhân chính khiến gần 60 ha đất sản xuất nông nghiệp của bà con bị sạt lở.
Mới đây, PV Infonet đã ghi nhận tình trạng sạt lở tại địa phận sông Krông Ana, đoạn qua xã Cư Kty và Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). Người dân nơi đây khẳng định, nguyên nhân chính của việc này là do nạn khai thác cát bừa bãi.
Hiện lực lượng chức năng huyện Krông Bông chưa có số liệu thống kê cụ thể về diên tích đất sạt lở năm 2017. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện này vào tháng 3/2016, tình trạng sạt lở sông đã xảy ra tại 9 xã trên địa bàn huyện. Trong đó, diện tích sạt lở tại xã Yang Réh lên đến 48.994m2; xã Cư Kty 18.408m2; xã Hòa Tân 1.680m2…Vừa qua, UBND huyện Krông Bông đã chỉ đạo các xã khẩn trương báo cáo diện tích sạt lở đất mới nhất để có biện pháp xử lí, hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Một đám khoai tại địa phận sông Krông Nô (thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) bị sạt xuống sông. |
Theo số liệu Infonet có được, trên địa bàn huyện Krông Bông hiện nay có 7 công ty, doanh nghiệp đang tổ chức khai thác cát. Trong đó, có 2 doanh nghiệp không được cấp phép.
Những “cuộc chiến” trên sông
Trao đổi với phóng viên Infonet, ông Bùi Đức Hàn, Trưởng thôn 3, xã Buôn Choah, (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) kể lại rằng, trước đây, vì tàu khai thác cát cứ cắm vòi rồng vào bờ sông khiến đất sản xuất nông nghiệp của bà con sạt lở liên tục. Riêng gia đình ông Hàn đã mất trắng hơn 2 ha đất, phải 4 lần di dời nhà cửa vì bờ sông sạt lở, "gặm" dần vào đất của gia đình. Tính tổng toàn thôn 3 có hơn 11 ha đất nông nghiệp bị sông “nuốt chửng”.
Cũng theo lời vị trưởng thôn, ban đầu, cứ mỗi lần nghe tiếng tàu cát, bà con lại ra bờ sông canh chừng, nhắc nhở tàu cát đừng hút vào sát bờ. Thế nhưng, khi người dân đi, những chiếc tàu cát lại chĩa vòi vào sát đất của dân để hút. Về sau, nhiều người bực tức, ném thẳng gạch, đá xuống tàu cát để cảnh cáo. Tuy nhiên, đối với “cát tặc”, những hành động đó chẳng mang lại tác dụng gì.
Anh Sầm Tuấn Anh cho biết, vì mất đất, xót của, anh đã đánh một người và đang bị công an mời làm việc, lấy lời khai. |
Vào những năm 2010-2011, những cuộc xô xát giữa người dân và “cát tặc” liên tục xảy ra khiến cả hai bên đều bị thương tích. Theo ông Hàn, vào khoảng giữa năm 2011, tại thôn 3 có anh Ngọc Văn Thức (SN 1986) bị “cát tặc” tấn công, đánh trọng thương, phải nhập viện điều trị gần một tuần.
Ông Hàn kể: “Vì mất đất nhiều mà chẳng biết kêu ai, bà con trong thôn đã mang theo gậy gộc, đá ném từ trên bờ xuống. Thế nhưng, phía dưới thuyền cũng chẳng vừa, “cát tặc” mang theo khiên chắn bằng gỗ, thủ sẵn gạch đá để ném lại. Khi bà con trên bờ yếu thế, phải rút lui thì “cát tặc” tràn lên, đuổi đánh. Trong khoảng thời gian đó, anh Thức ở trong làng đi ra, nghĩ mình không tham gia đánh nhau nên anh không chạy và bị đòn oan”.
Còn theo ông Lương Thế Việt, Trưởng thôn 6 xã Buôn Choah, thời điểm “cát tặc” hoành hành khiến đất sản xuất bị sạt lở, một số hộ dân đã đập chai thủy tinh đổ xuống ven sông. Sau đó, người hút cát bị mảnh thủy tinh vướng vào tay, chảy máu. Sau đó, “cát tặc” cũng tìm cách “trả đũa” khiến một hộ dân trong thôn bị phá sạch 3 sào ngô đang chuẩn bị thu hoạch.
Ông Việt cho biết: “Hộ anh Phạm Văn Thực trong thôn bị phá hoại 3 sào ngô trong một đêm. Dù không tìm được thủ phạm nhưng chúng tôi nghĩ đó là những người khai thác cát gây ra, nhằm mục đích trả thù bà con đã đổ mảnh thủy tinh xuống sông”.
Tình hình tương tự cũng từng xảy ra tại xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Theo ông Ma Văn Hoàn, Chủ tịch xã Đắk Liêng, trước đây, trên địa bàn xã có một trường hợp người dân phải lĩnh án tù 5 năm vì gây thương tích cho “cát tặc”. Mới đây nhất, anh Sầm Tuấn Anh (SN 1978, ngụ xã Đắk Liêng) đã dùng sống dao đánh một người trên tàu khai thác cát và đang phải làm việc với lực lượng chức năng về hành vi phạm pháp của mình.
Trao đổi với PV, anh Tuấn Anh cho biết, anh có mấy sào cà phê 3 năm tuổi. Khi trồng, anh đã chừa lại khoảng cách 30m đất (tính đến bờ sông) vì sợ lũ lụt gây ngập úng. Thế nhưng, tàu cát cứ chĩa vòi vào bờ khai thác, gây sạt lở hơn 20m đất sản xuất của nhà anh. Nhắc nhở, chửi bới, xua đuổi không được, thấy cà phê lại nằm cheo leo, có nguy cơ sạt xuống sông nên anh Tuấn Anh nổi nóng, vi phạm pháp luật.
“Mình biết mình sai, nhưng tức quá không kiềm chế được. Họ khai thác cát mà không có lương tâm, cứ cố hút thật đầy thuyền, mặc kệ đất của dân sạt lở. Tôi nói thì họ còn chửi lại, thách thức”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Tại xã Ea Rbin, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk có hơn 2km bờ sông bị sạt lở nặng nề khiến nhiều hộ dân mất đất. |
Tại Tổ nhân dân tự quản số 3, xã Ea Rbin, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, ông Trương Văn Tỏ cho biết, tình trạng sạt lở trên địa phận sông Krông Nô (thuộc địa phận xã Ea Rbin) vẫn diễn biến phức tạp. Hiện tại, dọc bờ sông đã sạt lở hơn 2km, nhiều hộ dân nơi đây bị mất đất.
“Đất sạt lở một phần do thủy điện xả lũ không đều, phần khác là do các tàu cát hoạt động, khai thác các mỗi ngày trên khu vực sạt lở nên bà con mới mất đất”, ông Tỏ chia sẻ.