Cảnh báo tình trạng cha mẹ tự ý mua thuốc tăng chiều cao cho con
BS Quỳnh đang khám cho một trẻ chậm phát triển chiều cao |
TS BS. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh – Phòng khám Nhi Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ: “Hiện nay trên mạng đang quảng cáo tràn lan những loại thuốc giúp tăng chiều cao nhập khẩu từ Mỹ, Nhật … với lời hứa hẹn sẽ giúp trẻ cải thiện chiều cao đáng kể trong thời gian ngắn, thậm chí tăng chiều cao cho người lớn đã trưởng thành. Một số phụ huynh vì quá lo lắng khi thấy con mình phát triển chậm so với các bạn đồng trang lứa nên đã tự ý mua các loại thực phẩm chức năng này cho trẻ sử dụng.
Chưa tính đến việc những loại thực phẩm chức năng này có giúp trẻ tăng chiều cao “thần kỳ” như lời quảng cáo hay không, nhưng việc cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm chức năng mà không có sự tư vấn của các chuyên gia y tế rất dễ dẫn đến việc trẻ bị dư thừa chất. Chiều cao không giống như cân nặng. Việc tăng chiều cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố như yếu tố như di truyền, yếu tố môi trường, dinh dưỡng, chế độ tập luyện, hormone và tình trạng sức khỏe. Vì vậy nếu như chỉ bổ sung nhân tố này mà thiếu hụt những nhân tố khác thì trẻ cũng không thể phát triển chiều cao như mong muốn.”
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bé N.V.D., 9 tuổi, nặng 28kg, cao 117cm (so với chuẩn chiều cao trung bình thì bé D còn thiếu 15cm) với chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng. Theo lời kể của phụ huynh, vì là cháu trai duy nhất trong gia đình, nên khi thấy con thấp hơn so với tiêu chuẩn trung bình, ba mẹ của bé đã nhờ người thân ở nước ngoài mua các loại thực phẩm chức năng giúp tăng trưởng chiều cao.
Tuy nhiên, sau ba tháng sử dụng, bé không những không cao thêm mà tăng 3kg và xuất hiện tâm lý e ngại khi bị ba mẹ bắt uống các loại thuốc đó. Đưa con đến khám và làm các xét nghiệm, được bác sĩ tư vấn, cha mẹ bé mới biết đã vô tình làm cho bé bị dư thừa chất, ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Trẻ thiếu hormone tăng trưởng thường có biểu hiện chậm tăng chiều cao so với các bạn cùng trang lứa mặc có chế độ dinh dưỡng bình thường. Cân nặng trẻ vẫn tăng tốt nên trẻ có dáng vẻ “bụ bẫm”, bụng thường to, vẻ mặt “non” so với tuổi. Một số trẻ sinh ra bị bất thường đường giữa như chỉ có một răng cửa, sứt môi, chẻ vòm, tinh hoàn ẩn, dương vật nhỏ, trẻ được xạ trị hoặc phẫu thuật vùng tuyến yên cũng là những đối tượng nguy cơ cho bệnh thiếu hormone tăng trưởng.
Nhằm cung cấp kiến thức y khoa cho cộng đồng và tầm soát vấn đề tăng trưởng chiều cao ở trẻ em, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức chương trình tầm soát và tư vấn miễn phí về chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em vào sáng các ngày thứ 7 trong tháng 7 và tháng 8/2018 dành cho trẻ từ 3 đến 18 tuổi.