Cảnh báo: Hàng chục bệnh nhân bị lột da “cậu nhỏ", mất tinh hoàn vì… nuôi tôm
![]() |
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của anh T. sau ca phẫu thuật |
Vẫn còn nét thảng thốt, anh T.T. (29 tuổi, Ninh Thuận) kể lại cảm giác “rụng rời” ngay tại vuông tôm khi thấy máu túa ra từ hạ bộ bị cánh quạt máy sục khí nghiến đứt nham nhở. Sự việc xảy ra khi anh bước qua hệ thống quạt khí đang quay và chiếc quần ngắn bị guồng máy cuốn vào khiến toàn bộ vùng da nhạy cảm bị kéo theo.
Anh T. được cấp cứu tại Bệnh viện Bình Dân trong tình trạng mất toàn bộ da vùng bìu và dương vật, tầng sinh môn có vết thương rách sâu đến sát cơ vòng hậu môn, vết thương có dấu hiệu dập nát và hoại tử. Anh nhanh chóng được các bác sĩ nam khoa cắt lọc vùng mô tổn thương, cầm máu và chăm sóc vết thương. Sau 10 ngày, khi vết thương đã ổn định và lên mô hạt, anh T. bước vào ca phẫu thuật ghép da bằng mảnh da mỏng tự thân lấy từ mặt trong đùi.
Khủng khiếp hơn, anh P.T.A. (23 tuổi, Trà Vinh) đã bị quạt tạo oxy cho nước của ao nuôi tôm “thổi bay” vùng da sinh dục kèm nghiến đứt tinh hoàn phải. Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân đã thực hiện ca phẫu thuật kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ để cắt lọc nhiều vùng mô dập nát cho người bệnh, cầm máu chảy từ cuống thừng tinh đã đứt rời tinh hoàn phải. Sau đó, anh T. được ghép da mỏng che phủ dương vật và bìu.
Tai nạn tương tự, anh N.H.S. (52 tuổi, Cà Mau) bị tuốt da vùng bìu phải và “của quý” vì chiếc quần đùi loà xoà trong dòng nước bị cuốn vào trục quay cánh quạt của máy sục khí tạo oxy khi anh đang thao tác vệ sinh nước trong vuông tôm của gia đình. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ, nạn nhân đã có vùng da tân tạo che phủ dương vật bằng vạt da mỏng được lấy từ mặt trong của đùi. Vùng bìu bị mất da được tạo hình bằng một phần vạt da bìu còn lại.
Mỗi năm, Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận và điều trị cho hơn 30 trường hợp bị lóc da vùng bìu, dương vật do tai nạn có liên quan tới máy sục khí ao tôm. Khi trao đổi với các bác sĩ, các nạn nhân đều cho rằng mình không may gặp phải tai nạn hi hữu, nhưng thực tế nguyên nhân chủ yếu do nạn nhân không mặc quần bơi gọn gàng khi xuống nước mà mặc quần ngắn dễ bị “hút” vào luồng nước từ các máy sục khí đang hoạt động.
ThS.BS. Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân cho biết: “Việc ghép da mới không chỉ giúp che phủ vùng khuyết da, tránh nguy cơ nhiễm trùng mà còn cải thiện thẩm mỹ, đảm bảo chức năng sinh lý và chữa lành tâm lý hụt hẫng cho người bệnh sau tai nạn lóc da vùng kín. Vùng da sinh dục mới ghép cần được chăm sóc rất cẩn thận và phải do đội ngũ điều dưỡng thực hiện để theo dõi chặt chẽ tình trạng vết thương, tránh nhiễm trùng làm ảnh hưởng mảnh ghép. Người dân cần lưu ý, luôn có ý thức chủ động đề phòng tai nạn gây lóc da vùng kín, không có một vùng da tân tạo nào mang lại cảm giác tự nhiên với khả năng co dãn và di động cao như vùng da đặc biệt vốn có của cơ quan sinh dục”.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi nuôi tôm cần mặc quần bơi gọn gàng hoặc đồ bảo hộ lao động có che chắn cơ quan sinh dục khi xuống nước; Chỉ vệ sinh và sửa chữa máy khi các cánh quạt ngưng hoạt động.
Khi xảy ra chấn thương hoặc vết thương cơ quan sinh dục, nạn nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cầm máu. Sau đó, nạn nhân cần được chuyển đến các cơ sở y tế chuyên sâu về nam khoa, có khả năng thực hiện phẫu thuật vi phẫu tạo hình để tiếp tục chăm sóc và ghép da khôi phục chức năng năng tiết niệu-sinh dục.