Căng thẳng với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị thiệt hại 9 tỷ USD
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "đóng băng" sau vụ Su-24. |
“Chúng tôi coi Nga là đối tác quan trọng và không muốn mối quan hệ trở nên căng thẳng. Từ khi bắt đầu khủng hoảng, chúng tôi đã thảo luận mọi phương án và sẵn sàn hành động trong trường hợp phía Nga không chấp nhận ngồi vào bàn đối thoại. Tình huống xấu nhất, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổn thất khoảng 9 tỷ USD, chiếm 0,3-0,4% GDP của đất nước. Chúng tôi vẫn hy vọng vào cuộc đối thoại trong tương lai giữa hai bên”, - ông Simsek nói.
Phó Thủ tướng bổ sung thêm: “Các biện pháp liên quan đến nguồn năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ do Nga cung cấp đã được chuẩn bị và tôi đã đệ trình chúng lên Thủ tướng. Lượng du khách Nga hiện giảm xuống còn 603.000 người. Các hợp đồng xây dựng giữa hai phía cũng bị trì hoãn”.
“Gói chống trừng phạt”
Theo truyền thông địa phương, các biện pháp nhằm giảm tác động do trừng phạt kinh tế từ phía Nga liên quan đến sự cố máy bay ném bom Su-24 Nga bị bắn rơi tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, gọi tắt là “gói chống trừng phạt” có thể sẽ được Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu công bố tại cuộc họp của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền vào thứ Ba, ngày 8/12.
Bộ trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Elitash cho hay, theo lệnh của Thủ tướng chính phủ, các Bộ, Ban ngành liên quan đã tổ chức một cuộc họp để đánh giá tình hình hiện tại và những tác động của nó lên hoạt động xuất nhập khẩu của đất nước.
Các phương án và lựa chọn thay thế khác nhau đã được đệ trình lên Thủ tướng. “Nhiều khả năng, Thủ tướng sẽ công bố các phương án này vào thứ Ba (ngày 8/12). Tất cả công dân có thể yên tâm rằng, sẽ không ai bị tổn thất do ngừng các quan hệ thương mại với Nga. Vì thế mọi người không nên lo lắng”, - Tờ Hurriyet trích dẫn lời ông Elitash.
Cũng theo Bộ trưởng kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nghiên cứu và xác định các thị trường có thể thay thế Nga và “Bộ kinh tế sẽ chỉ đạo kế hoạch này”. Tham gia thực hiện kế hoạch còn có Liên đoàn các Phòng Thương mại và Sở giao dịch hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ, Hiệp hội các nhà xuất khẩu, các Hiệp hội khoa học và sản xuất cùng đại diện các cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Ông Elitash nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng tôi là phải tiến hành các giải pháp ứng phó với tình huống khẩn cấp mà đất nước đang phải đối mặt”.
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu "dậy sóng" sau sự cố tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Không quân Nga trên lãnh thổ Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 4 km.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng, hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây “hậu quả nghiêm trọng” cho mối quan hệ giữa hai bên.
Ngày 28/11, Tổng thống Nga Putin đã ký ban hành sắc lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga được tái thiết từ hãng tin Itar-TASS cũ. Đây là một trong những hãng thông tấn lớn nhất của Nga, có bề dày 100 năm lịch sử. Hãng này liên kết với hơn 80 hãng thông tấn nước ngoài khác và là một trong những hãng thông tấn uy tín trên thế giới.