Bộ trưởng Thăng: Chưa đề xuất thời điểm thu phí vì khó khăn
Bộ trưởng Thăng: Chưa đề xuất thời điểm thu phí vì khó khăn
Muốn thu phí xe máy, xem ô tô "độc diễn" giờ cao điểm
Cục trưởng CSGT: “Xe máy mới là phương tiện cần hạn chế”
Tại buổi họp báo thường kỳ chính phủ diễn ra ngày 1/4, Bộ trưởng Thăng cho biết, phí bảo trì đường bộ Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và sẽ triển khai thu từ 1/6. Loại phí này được thực hiện theo luật đường bộ, ban hành từ 1/7/2009 chứ không phải sáng kiến của Bộ GTVT. Bây giờ mới thu đã là rất chậm, lẽ ra phí này đã phải thu từ vài năm trước rồi.
Riêng đối với hai loại phí hạn chế phương tiện và phí lưu thông vào nội đô, ông Thăng cho biết bộ GTVT lập đề án căn cứ vào nghị quyết số 21 của Quốc hội ban hành năm 2011. Qua đó các bộ ngành sẽ phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu tai nạn, chống ùn tắc giao thông. Trong đó có quy định việc thu phí từ phương tiện. Hai loại phí này cũng không phải sáng kiến của Bộ GTVT, mà đã được Quốc hội thông qua.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Cũng có thể đề án thu phí không được thông qua". Ảnh LD |
Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh, trong tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT chưa đề xuất thời điểm thu phí. “Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, Bộ GTVT chưa đề xuất thời điểm thu và sẽ không tiến hành thu phí trong năm nay. Giả sử nếu Bộ giao thông có đề xuất cũng không thể triển khai được” – ông Thăng quả quyết.
Về đối tượng thu phí, ông Thăng chỉ rõ ô tô là phương tiện cá nhân. Loại ô tô trong diện thu phí khoảng 600 nghìn xe, nguồn thu dự kiến từ 12 – 15 nghìn tỷ mỗi năm. Trước đây Bộ GTVT xây dựng đề án thu phí với mức từ 20 – 50 triệu đồng/xe mỗi năm. Nhưng khi có ý kiến phản ánh của nhân dân, Bộ đã điều chỉnh xuống mức nhỏ hơn (giảm phí - PV).
Cụ thể, thay vì mức thấp nhất 20 triệu đồng/ xe trước kia, đến nay mức thấp nhất chỉ thu với 10 triệu đồng mỗi năm đối với ô tô một chấm trở xuống; ô tô từ một đến một chấm năm thu 15 triệu đồng/ năm, từ một chấm năm đến hai chấm 20 triệu đồng/ năm; xe từ hai chấm đến hai chấm năm thu 25 triệu đồng/ năm…
Đối với xe máy, trong đề án chỉ tạm thời thu ở năm thành phố: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và chỉ thu trong khu vực nội đô, chứ không phải thu ở mọi phương tiện trên cả nước. Ngoài ra đề án cũng nêu rõ đối tượng nghèo sẽ không bị thu phí. HĐND, UBND mỗi địa phương sẽ quyết định về mức thu đối với phương tiện xe máy. Sau khi thực hiện thí điểm 5 tỉnh thành này sẽ đánh giá để có đề xuất tiếp theo.
Bộ trưởng Thăng nhận định: “Nếu có tiền đầu tư 50 cầu vượt ở Hà Nội thì giao thông sẽ giảm cơ bản ùn tắc. Một chính sách đưa ra có thể tác động đến một nhóm người, có thể phải chịu thiệt thòi trong việc đóng phí nhưng đổi lại đa số người dân sẽ được hưởng lợi”.
Theo đề án thu phí sẽ triển khai thí điểm tại năm thành phố lớn. Ảnh LD |
Người đứng đầu ngành GTVT cũng đề xuất, để thực hiện đề án này, Bộ đã xây dựng đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và chính phủ đã phê duyệt. Bên cạnh đó Bộ đã xây dựng chiến lược đảm bảo an toàn giao thông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
“Nếu làm hết các giải pháp khác như đầu tư kết cấu hạ tầng, bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng vận tải công cộng, rồi mới tính đền chuyện thu phí thì cũng chỉ giải quyết được một vế của vấn đề. Chúng tôi sẵn sàng tăng xe buýt, nhưng trong bối cảnh phương tiện cá nhân nhiều như hiện nay, nếu tăng lượng xe buýt thì đường sẽ tắc” – ông Thăng cho biết.
Về quy trình thực hiện, Bộ trưởng Thăng chỉ rõ: Bộ GTVT đã trình đề án thu phí lên Chính phủ để xem xét, sau đó Chính phủ sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội theo quy trình. “Thực tế loại phí này chưa có trong pháp lệnh. Vì thế Thủ tướng Chính phủ sẽ trình, sau đó UBTV Quốc hội sẽ xem xét để quyết định có đồng ý bổ sung hay không. Khi đã bổ sung, chính phủ sẽ thực hiện quy trình lấy ý kiến người dân” – ông Thăng lý giải.
Bộ trưởng Thăng cũng thẳng thắn thừa nhận, theo quy trình có thể Quốc hội, thậm chí ngay cả Chính phủ cũng sẽ không thông qua đề án thu phí. Nhưng trách nhiệm của Bộ GTVT vẫn phải xây dựng đề án trên cơ sở đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
“Khi đất nước trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, lúc đó các loại phí, thuế hạn chế xe cá nhân có thể sẽ phải bỏ để khuyến khích sử dụng xe ô tô và các loại phương tiện khác. Mỗi chính sách đưa ra chỉ có thể gắn với một giai đoạn cụ thể nhất định” – Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ.
Nguyễn Dũng