Bộ trưởng Bộ Y tế thị sát dịch sởi ở TP.HCM
Bộ trưởng Bộ Y tế thị sát dịch sởi ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào hôm nay (28/4) |
Hôm nay (28/4), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chuyến thị sát dịch sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Q. Bình Tân (TP.HCM). Bà Tiến nhận định, trong số nhiều bệnh nhân đến điều trị sởi tại 2 bệnh viện này chỉ cần nhìn thấy là biết có thể ra viện được. Nhưng nhiều bệnh nhân vẫn mong muốn được điều trị tại bệnh viện dẫn tới tình trạng quá tải.
“Bộ trưởng cùng chúng tôi cũng không dám bước sang phòng bệnh nhân nặng đang điều trị các bệnh về tim, não… Bởi Bộ trưởng sợ chỉ cần đi qua đầu giường những bệnh nhân này có thể tăng mật độ vi rút sởi lên, khiến bệnh nhân có nguy cơ bị lây nhiễm chéo trên nền bệnh sởi”, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, số ca sởi đang nhích dần lên nhưng chưa có trường hợp tử vong nào. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, thành phố có gần 1.500 trường hợp mắc sởi được điều trị, trong khi cả năm 2013 chỉ ghi nhận hơn 400 ca. Trung bình mỗi tuần có 120 ca sởi nhập viện, trong đó 90% là trẻ dưới 10 tuổi. Đáng lưu ý, nhiều người lớn cũng mắc sởi. Tuy nhiên, chủ yếu những ca mắc chỉ là sởi bình thường. Còn số ca bị biến chứng đang giảm dần, từ 31,6% vào tháng 1/2014 đến nay chỉ còn khoảng 24,1%.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện cần phải có kế hoạch rà soát, cách ly, phân luồng, phân tuyến. Qua đó tránh tình trạng cho bệnh nhân ngồi chung với nhau để không bị lây cho cộng đồng và nhất là các cháu nhỏ. Đồng thời, đề nghị các bệnh viện bằng mọi giá phải cứu bệnh nhân, dùng thuốc tốt nhất, không để xảy ra trường hợp tử vong nào.
Cũng theo Bộ Y tế, tính đến ngày 27/4, cả nước ghi nhận thêm 32 ca sởi mới, nâng tổng số ca từ đầu năm đến nay lên 3.716 ca tại 32 tỉnh, thành. Số bệnh nhân nặng phải thở máy ở các bệnh viện tuyến Trung ương còn cao, tiềm ẩn nguy cơ tử vong. Số người mắc sởi tại các địa phương đã bắt đầu giảm. Nhưng do trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin nên nguy cơ mắc bệnh ở nhóm này khó giảm.