Bộ chỉ số phát triển thanh niên Việt Nam quan trọng đến đâu?
Hai đề án cần thiết cho hoạch định chính sách đối với thanh niên
Sáng 23/9 tại Đà Nẵng, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo một số Bộ, ngành hữu quan; Sở Nội vụ, Đoàn Thanh niên (TN) các tỉnh miền Trung; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tin học, thống kê nhằm lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án xây dựng Bộ chỉ số phát triển TN Việt Nam và đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về TN để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Cuộc hội thảo góp ý dự thảo hai đề án xây dựngBộ chỉ số phát triển TN và Cơ sở dữ liệu quốc gia về TN do Bộ Nội vụ tổ chức tại Đà Nẵng ngày 23/9 (Ảnh: HC) |
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chiến lược phát triển TN Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, hiện các cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam chưa có công cụ để đánh giá, hệ thống số liệu thống kê đầy đủ, toàn diện về TN. Hầu hết số liệu thu thập được còn manh mún, rời rạc; thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, thiếu tính hệ thống và mức độ tin cậy chưa cao.
Đặc biệt là chưa có quy định mang tính pháp lý về việc lập, tổ chức thu thập, xử lý số liệu; tổ chức công bố các chỉ tiêu thống kê về TN một cách đầy đủ, toàn diện, đồng bộ và thường niên để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoạch định chính sách đối với TN. Do vậy, việc xây dựng Bộ chỉ số phát triển TN và Cơ sở dữ liệu quốc gia về TN là hết sức cần thiết.
Theo dự thảo, Bộ chỉ số Phát triển TN Việt Nam gồm 11 lĩnh vực với 127 chỉ số như dân số và nhân khẩu học, GD-ĐT – dạy nghề, y tế sức khỏe, văn hóa – TDTT, lao động – việc làm... được xây dựng theo nguyên tắc “đảm bảo tính khoa học” (đáp ứng cao về độ tin cậy, độ nhạy và độ đặc hiệu) “nhưng phải khả thi” (phù hợp thực tế, không quá phức tạp để không tạo ra gánh nặng cho việc thu thập số liệu đối với hệ thống thống kê hiện tại)”; đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế nhưng cũng phải phù hợp với Việt Nam....
Theo lộ trình, năm 2014 xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Bộ chỉ số đánh giá phát triển TN. Kinh phí tổ chức triển khai đề án trong hai năm 2015 – 2016 là 10 tỉ đồng. Từ năm 2017 trở đi, kinh phí thực hiện đề án được lập và bố trí trong tổng dự toán kinh phí chi thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương. Với đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về TN, tổng kinh phí thực hiện 100,5 tỉ đồng được phân kỳ theo từng năm từ 2014 - 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, việc xây dựng Bộ chỉ số phát triển TN và Cơ sở dữ liệu quốc gia về TN là hết sức cần thiết (Ảnh: HC) |
Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho hay, thực hiện Quyết định 2474/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2013 đến nay, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ KH-ĐT, TƯ Đoàn và các Bộ, ngành liên quan... đã tiến hành xây dựng hai đề án trên, hiện đã cơ bản hoàn thành dự thảo. Cuộc hội thảo tại Đà Nẵng ngày 23/9 là lần đầu tiên hai đề án này được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý từ thực tiễn cơ sở để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Hội thảo giảm một nửa thời gian dự kiến
Theo ông Dương Văn Đạt, Trưởng nhóm sức khỏe sinh sản của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, TN từ 10 – 29 tuổi chiếm gần 40% tổng dân số. Tỉ lệ người trẻ tuổi của Việt Nam hiện cao nhất trong lịch sử hình thành đất nước. Đây là cơ hội “có một không hai” cho sự phát triển KT-XH của đất nước nhưng cũng mang lại nhiều thách thức. Muốn gặt hái đầy đủ lợi ích của giai đoạn “dân số vàng”, Việt Nam cần có sự đầu tư cần thiết về giáo dục, việc làm, các kỹ năng sống, sức khỏe... là những vấn đề tối cần để bảo vệ nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai.
“Vì vậy, trong quá trình phát triển Bộ chỉ số phát triển TN và Cơ sở dữ liệu quốc gia về TN, chúng tôi hy vọng TN là đối tượng của hai đề án này sẽ được mời tham gia đóng góp ý kiến. Sự tham gia của TN trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến họ là một trong những phương pháp để đảm bảo các chính sách đề ra sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế của các nhóm TN khác nhau” – ông Dương Văn Đạt nói.
Ông cho rằng, Bộ chỉ số phát triển TN cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển KT-XH của quốc gia cũng như các địa phương. Bản thân bộ chỉ số này phải có tính đa ngành song hết sức ngắn gọn chứ nếu quá cồng kềnh sẽ rất khó triển khai. Hơn nữa, bộ chỉ số này phải mang tính hội nhập quốc tế. Với Cơ sở dữ liệu quốc gia về TN, theo ông, hiện có rất nhiều cuộc điều tra khác nhau về dân số, y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở... nên cần sử dụng tối đa dữ liệu từ các cuộc điều tra này, chiết xuất ra các vấn đề về TN...
Theo ông Dương Văn Đạt, Trưởng nhóm sức khỏe sinh sản của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, do tính chất quan trọng của hai đề án nên trong thời gian một ngày, các đại biểu phải làm việc hết sức khẩn trương để có những góp ý có giá trị. Nhưng rốt cuộc Ban tổ chức chỉ rút ngắn cuộc hội thảo còn 1 buổi! (Ảnh: HC) |
“Chúng ta nói nhiều về việc thu thập số liệu chính xác nhưng có lẽ quan trọng hơn nữa là vấn đề sử dụng các số liệu đó để lập kế hoạch, xây dựng chính sách phù hợp cho TN” – ông Dương Văn Đạt nói. Theo ông, những vấn đề nêu trên là hết sức quan trọng nên trong thời gian một ngày, các đại biểu tham dự hội thảo cần phải làm việc hết sức khẩn trương mới có thể có những ý kiến đóng góp có giá trị cho hai dự thảo đề án.
Theo chương trình, hội thảo tiến hành trong cả ngày 23/9 (buổi sáng từ 8h – 12h tập trung cho trình bày và thảo luận dự thảo đề án xây dựng Bộ chỉ số phát triển TN. Sau nghỉ trưa, buổi chiều từ 13h30 – 17h tập trung cho trình bày và thảo luận dự thảo đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về TN). Tuy nhiên chỉ đến 12h trưa thì cuộc hội thảo - có liên quan rất lớn đến nguồn nhân lực của quốc gia trong tương lai đã kết thúc (!).
Thay mặt Ban tổ chức, Vụ trưởng Vụ Công tác TN (Bộ Nội vụ) Vũ Đăng Minh giải thích: “Qua đề xuất của một số tỉnh cũng như các đại biểu thì hai nội dung này lồng ghép với nhau, cơ sở dữ liệu là bước thứ hai của bộ chỉ số thôi. Tức là khi có Bộ chỉ số phát triển TN rồi thì chúng ta mới có cơ sở xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về TN. Vì vậy chúng ta lồng ghép làm trong một buổi sáng, cố gắng kết thúc vào khoảng `12h".