Biện luận lôi cuốn của Putin: Giả tạo hay bước đột phá?
Trong vòng vài ngày qua, ông Putin đã có hai tuyên bố quan trọng, đầu tiên là tại Crimea, vùng đất đã sáp nhập vào Nga vào tháng 3 năm ngoái. Tiếp theo là tại Tajikistan, một quốc gia Trung Á lo ngại sự xuất hiện của cả Nhà nước Hồi giáo (IS) và các hoạt động buôn thuốc phiện từ Afghanistan. Có thể nhận thấy rằng, một số dấu hiệu cho thấy sự thay đổi lớn đang diễn ra.
Các nhà phân tích của Moscow tin rằng những lập luận đã được chuẩn bị từ trước này là nhằm gửi tới hai thông điệp quan trọng tới Phương Tây trước khi ông Putin có cuộc họp với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào cuối tháng này. Đầu tiên, ông có ý định đóng băng cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, và thứ hai là ông muốn cùng các nước phương Tây chống lại IS ở Syria.
![]() |
Tổng thống Nga Vladimir Putin có mặt ở Yalta thuộc bán đảo Crimea. |
Ngày 12/9, Tổng thống Nga đã xuất hiện tại thành phố Yalta, nằm ở bán đảo Crimea. Có mặt với ông là cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, người nổi tiếng với hàng loạt những vụ bê bối, nhưng ở Nga ông lại là đối tác thân cận nhất của Putin ở châu Âu.
Theo các báo địa phương, hai chính khách đứng chụp hình thì một “người đi đường” đến gần họ. Người này hỏi ông Putin khi nào sẽ biến vùng Donbass ở Ukraine trở thành một phần của Nga giống như Crimea. Đáp lại, Tổng thống Nga nói rằng con đường duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột hiện tại nằm ở hiệp ước Minsk giữa Moscow và Kiev.
“Rõ ràng là cảnh này được dàn dựng để ông Putin có thể truyền đạt một thông điệp rằng hiệp ước hòa bình tại Ukraine có thể được áp dụng, nếu phương Tây hợp tác với ông tại Syria và quên viêc Crimea sáp nhập vào Nga đi”, ông Stanislav Belkovsky, cựu cố vấn của chính phủ Kremlin trả lời tạp chí The Daily Beast.
Đây không chỉ là quan điểm của riêng Belkovsky. “Ông Putin đã ngầm nói rằng ông muốn kết thúc cuộc chiến ở vùng Donbass dựa trên thỏa thuận Minsk 2.0”, ông Vasily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga (CAST) cho biết, “Điều đó cũng có nghĩa là Nga đã thắng”.
Theo ông Kashin, với Nga vùng đất đang tranh chấp trên sẽ dần trở thành một khu vực sát với Biên giới Nga, tương tự như Transnistria ở Moldova, hiện đang thuộc sự kiểm soát của Nga nhưng không phải lãnh thổ của Nga. Đánh giả từ CAST là rất đáng chú ý khi họ là một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Nga trong hơn một thập kỷ qua.
Tiếp đó, ông Putin đến Tajikistan, nơi chính phủ đang truy lùng một tướng cấp cao bị buộc tội tiến hành nổi loạn và tước đi mạng sống của 9 sĩ quan cảnh sát.
Phát biểu vào ngày 22/9 trước sự có mặt của các đồng minh, gồm nguyên thủ Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, ông Putin nói về cuộc chiến toàn cầu chống lại IS: “Để đảm bảo sự an toàn toàn cầu, chúng ta phải kết hợp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để chống lại mối hiểm họa lớn như vậy”, ông nói.
![]() |
Tổng thống Putin cùng Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon. |
Tổng thống Nga nói thêm: “Điều quan trọng là chúng ta phải đặt những tham vọng địa chính trị sang một bên, từ bỏ những chính sách lợi dụng trực tiếp hoặc gián tiếp các nhóm khủng bố để đạt được mục đích của một cá nhân nào đó, bao gồm loại bỏ những chính phủ và thể chế hiện có”.
Theo kế hoạch của ông Putin, cả Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng những đối thủ của ông nên hợp tác để chống lại IS, và Nga sẽ hỗ trợ quân sự cho Syria.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có một cuộc trao đổi “mang tính xây dựng” về tình hình ở Syria và Iraq cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Theo thông tin của báo Bild (Đức), đại diện của CIA đã đến thăm Moscow vào tuần trước để trao đổi thông tin với cơ quan tình báo Nga.
“Không phải tự nhiên mà sau sự kiện Crimea, ông Putin còn gửi đi thông điệp tiếp theo cho phương Tây từ vùng Trung Á, nơi có nguy cơ bị IS tấn công trên nhiều mặt trận”, ông Kashin cho biết. “Nếu một cuộc chiến lớn nổ ra ở Trung Á, Nga chắc chắn sẽ bị liên quan. Họ sẽ chiến đấu với Trung Quốc hoặc một mình đương đầu lấy, do đó ông Putin nói rằng ông muốn tiêu diệt IS ở Syria bằng cách hỗ trợ quân đội của Assad và Iraq bằng vũ khí thay vì gây chiến ở vùng Trung Á”.
Phát biểu của ông Putin được đưa ra khi tình hình xung đột ở vùng Donbass đã lắng xuống. Tổng thư ký OSCE Zaberto Zannier cho biết, hai bên không hề vi phạm ngừng bắn trong suốt hơn hai tuần qua.
“Ông Putin đưa ra điều kiện rằng nếu vùng Donbass trở lại yên bình, phương Tây phải nới lỏng cấm vận kinh tế và bỏ qua sự kiện Crimea”, hãng truyền hình TV Rain (Nga) đưa tin.
Các chuyên gia ủng hộ Kremlin tin rằng việc Nga tham gia vào cuộc chiến ở Syria là cơ hội để Putin xây dựng lại hình ảnh của mình trong mắt các nước phương Tây và nâng cao tầm quan trọng của nước này. “Syria giống như một ván bài để các nước tìm cách giành cho mình thêm điểm số chính trị”, ông Yuri Krupnov, một nhà phân tích ủng hộ Kremlin cho biết.
![]() |
Nhiều người đã ủng hộ sự có mặt của Nga tại Syria. |
“Nỗ lực của Nga nhằm cùng với phương Tây chống IS có thể bị coi là bước đi mềm yếu. Nga sẽ gửi hỗ trợ cho Assad chứ không phải cho quân đội Mỹ, và tôi không tin phương Tây sẽ chấp nhận điều này”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều khả năng cuộc gặp mặt với Liên Hợp Quốc của ông Putin sẽ không thu được kết quả thuận lợi.
“Việc ông Putin đến trụ sở Liên Hợp Quốc cho thấy ông đang cần sự ủng hộ của phương Tây để chống lại IS”, ông Belkovsky nói. “Ông muốn gặp Tổng thống Obama và có thể sẽ đóng băng xung đột ở miền Đông Ukraine. Nhưng nếu các thành viên Liên Hợp Quốc tỏ ra không tin tưởng ông, mâu thuẫn sẽ lại nổ ra”.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin của tạp chí The Daily Beast, một trang tin được thành lập vào năm 2008, hiện thuộc sở hữu của tập đoàn truyền thông IAC của Mỹ.