Hải chiến Trường Sa 14/3/1988: Các anh hy sinh cho Tổ quốc trường tồn!

Cuộc giao lưu "Hướng về Trường Sa thân yêu" tổ chức tại Đà Nẵng sáng 14/3 thực sự để lại trong lòng những người chứng kiến những ấn tượng vô cùng sâu đậm không chỉ bởi tấm gương hy sinh anh dũng của những người chiến sĩ tuổi thanh xuân mà còn bởi những tâm tư vô cùng đáng quý, đáng trọng của người thân và các đồng đội của họ!
Hải chiến Trường Sa 14/3/1988: Các anh hy sinh cho Tổ quốc trường tồn! - ảnh 1
Buổi giao lưu "Hướng về Trường Sa thân yêu" tổ chức tại Đà Nẵng sáng 14/3 - Ảnh: HC

Tổ quốc gọi, lẽ nào con lại ở nhà!

"Cả ngày 14/3/1988, các anh đã kiên cường chiến đấu để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. 64 cán bộ, chiến sĩ dũng cảm chiến đấu với quân Trung Quốc đến hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn ra đi trong trận chiến đấu đầy khốc liệt ấy. Các đồng chí đã không trở về với đất mẹ, với bao ước vọng của tuổi xuân chưa kịp thực hiện. Trong 64 chiến sĩ trung kiên ấy có 9 người con của TP Đà Nẵng anh hùng".

Giọng Đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng bỗng trở nên nghẹn ngào trước hàng trăm đại biểu dự cuộc giao lưu "Hướng về Trường Sa thân yêu" sáng 14/3 khi ôn lại trận hải chiến bi hùng cách đây tròn 25 năm của cán bộ, chiến sĩ các tàu Hải quân HQ-505, HQ- 604, HQ-605 của Lữ đoàn 125 phối hợp với Lữ đoàn 146 và Trung đoàn công binh 83 (E83) bảo vệ các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trước sự xâm chiếm trái phép của Trung Quốc.

Ông cho hay, 9 chiến sĩ Đà Nẵng hy sinh trong trận hải chiến năm ấy đều nhập ngũ năm 1987 và được huấn luyện tại Đoàn M126 Hội An. Thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, các anh được điều về Trung đoàn 83 thuộc Quân chủng Hải quân. Đến đầu năm 1988, đơn vị này hành quân vào Cam Ranh (Khánh Hoà) và nhận nhiệm vụ ra đảo Trường Sa.

Hải chiến Trường Sa 14/3/1988: Các anh hy sinh cho Tổ quốc trường tồn! - ảnh 2
Đôi mắt mẹ Lê Thị Muộn, mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự...

"Các anh đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng. 25 năm đã trôi qua, ta vẫn còn nghe thấy tiếng của các anh trên những con tàu lướt sóng giữa trùng khơi mênh mông. Nhìn vào di ảnh trên các các bàn thờ gia đình, các anh thật trẻ trung và tinh thần luôn bất tử. Các anh hy sinh cho Tổ quốc trường tồn!" - giọng người cựu chiến binh gia từng vào sinh ra tử trước bao nhiêu quân thù vẫn chợt như không kìm được sự thổn thức. Dưới hội trường, những giọt nước mắt cũng rưng rưng trên đôi gò má già nua của các mẹ Lê Thị Muộn (mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự), Nguyễn Thị Thước (mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi)...

Khi được mời lên giao lưu, mẹ Muộn kể, trước khi anh Sự vào Cam Ranh để ra Trường Sa thì cha bị bệnh nặng phải mổ. Dù được đơn vị phân công ở lại giữ kho nhưng anh vẫn xin. Anh nói với mẹ: “Tổ quốc gọi, lẽ nào con lại ở nhà. Mẹ yên trí để con đi lo chuyện nước nhà cho vững vàng”, rồi vào xin phép và được cha là Phan Văn Bé cho đi, dù biết rằng có thể không gặp lại con. Thấy con không an tâm về sức khỏe của mình, ông Bé gắng gượng, giả vờ hết bệnh. Sáng 14/3/1988, anh Sự hy sinh thì chiều hôm đó sau ca đại phẫu, ông Bé cũng từ trần...

Rồi mẹ lấy ra một chiếc áo trắng. Đó nguyên là chiếc áo hải quân mà đơn vị chuyển về cho gia đình mẹ Muộn cùng một số kỷ vật quân ngũ của anh Sự sau khi anh hy sinh. Nhớ con, mẹ đã cắt thành áo bà ba, mân mê từng đường kim mũi chỉ, suốt hai ngày thì hoàn thành. Chiếc yếm viền xanh và đôi măng-sét áo thì bỏ trong gối nằm. Đi đâu hay có việc gì bà cũng đem chiếc áo này ra mặc, giữ hơi ấm của con luôn bên mình cho khỏi nhớ... 

Hải chiến Trường Sa 14/3/1988: Các anh hy sinh cho Tổ quốc trường tồn! - ảnh 3
và mẹ Lê Thị Thước, mẹ của liệt sĩ Phạm Văn Lợi rưng rưng ngấn lệ khi nghe các đồng đội của con thuật lại giây phút con mình ngã xuống trước họng súng của kẻ thù!

Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo

Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Chính uỷ E83 nhớ lại, giữa tháng 3/1988, các tàu HQ-505, HQ- 604, HQ-605 của Lữ đoàn 125 phối hợp với Lữ đoàn 146 và E83 83 được lệnh hành quân khẩn cấp về nhóm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa. Đến chiều tối 13/3, tàu HQ-604 đến vùng biển Gạc Ma, tàu HQ-505 đến Cô Lin và tàu HQ-605 thẳng tiến đến Len Đao.

"Nhiệm vụ chính của E83 lúc đó là phối hợp cùng Lữ đoàn 146 và tàu vận tải quân sự 125 chở lực lượng công binh và lực lượng đóng trên đảo Trường Sa ra xây dựng các cụm bảo đảm chiến đấu và bảo đảm sinh hoạt cho bộ đội. Khi tàu đến đảo thì phải nhanh chóng hạ xuồng nhôm, xuồng máy để đưa lực lượng và vận chuyển vật tư, vật liệu vào xây dựng đảo. Các tàu HQ604, HQ505 và HQ605 chỉ là tàu vận tải, không trang bị hỏa lực hải chiến. Các chiến sĩ đi trên tàu chủ yếu là công binh của Quân chủng Hải quân làm nhiệm vụ xây dựng đảo" - Thượng tá Hoàng Văn Hoan nói.

Sau 29 giờ hành quân, lúc 5g ngày 14/3/1988, tàu HQ 605 đã cắm cờ Việt Nam trên đảo Len Đao. Đến 6g, tàu HQ 505 đã cắm được 2 lá cờ trên đảo Cô Lin. Trước đó, chiều 13/3, tàu HQ604 đã thả neo tại đảo Gạc Ma. Ngay trong đêm 13/3, tàu HQ 604 cùng lực lượng công binh đã đưa tàu áp sát, vận chuyển vật liệu lên đảo; tiếp đó Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo Gạc Ma. 

Hải chiến Trường Sa 14/3/1988: Các anh hy sinh cho Tổ quốc trường tồn! - ảnh 4
AHLLVT Nguyễn Văn Lanh và Thượng tá Hoàng Văn Hoan giúp mẹ Lê Thị Muộn mặc chiếc áo hải quân - kỷ vật mà liệt sĩ Phan Văn Sự để lại sau khi hy sinh

Sau hàng loạt hành động khiêu khích, uy hiếp nhưng thấy bộ đội ta vẫn vững vàng, sáng 14/3, quân Trung Quốc đi trên những tàu chiến trang bị tương đối hiện đại đã đổ bộ xâm chiếm đảo Gạc Ma. Tàu HQ 604 bị bắn chìm. Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma quấn cờ Tổ quốc quanh mình và hô lớn: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân!”.

Các chiến sĩ trên đảo Gạc Ma đã anh dũng chiến đấu, kết thành bảo vệ lá cờ Tổ quốc, mà sau này nhiều người đã gọi một cách thiêng liêng là “Vòng tròn bất tử”, trước khi ngã xuống vì những loạt đạn tàn bạo của kẻ thù. Tàu HQ505 bị cháy, đã lao thẳng lên đảo Cô Lin. Các chiến sĩ bám tàu, vừa chiến đấu vừa đưa đồng đội bị thương và hy sinh lên đảo. Ở đảo Len Đao, tàu HQ 605 cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy... 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại với đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.

Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Lanh, người chiến sĩ công binh đi trên tàu HQ604 và trực tiếp chiến đấu cận kề với anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương trên đảo Gạc Ma nhớ lại: "Lúc đó quân Trung Quốc quyết hạ cờ mình xuống. Thực hiện mệnh lệnh của anh Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 trực tiếp chỉ huy tàu HQ604, tất cả chúng tôi bất kể là lính công binh hay lính chiến đều nhảy xuống tàu, bơi lên đảo quây thành vòng tròn để bảo vệ cờ, bảo vệ hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc!". 

Hải chiến Trường Sa 14/3/1988: Các anh hy sinh cho Tổ quốc trường tồn! - ảnh 5
AHLLVT Nguyễn Văn Lanh thuật lại trận đánh giáp lá cà với quân Trung Quốc trên đảo Gạc Ma cách đây 25 năm

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh đứng dậy diễn tả lại trận chiến giáp lá cà với quân Trung Quốc: "Khi anh Trần Văn Phương trúng đạn ngã xuống, tôi liền lấy lá cờ cắm lên lại, còn các đồng đội là lính công binh, không có súng nên dùng xẻng, cuốc chim, xà beng đánh trả quân Trung Quốc. Một tên Trung Quốc giật cờ của mình xuống thì tôi đạp nó ra và cắm lên lại. Lúc đó, một thằng sĩ quan Trung Quốc chĩa súng lục vào tôi.

Tôi vung chân đá bay khẩu súng thì bất ngờ bị một thằng lính Trung Quốc khác đâm lén phía sau lưng làm vỡ xương bả vai, nhưng tôi vẫn quyết tâm đánh trả. Khi đó tôi vẫn đang giữ lá cờ, có một thằng lính Trung Quốc đâm lưỡi lê thẳng vào ngực. Tay phải tôi giữ lá cờ, tay trái tôi vung lên gạt lưỡi lê thì bị một phát đạn xuyên qua bả vai tới sau lưng. Do bị thương quá nặng nên tôi ngất xỉu và sau đó được các đồng đội cứu...".

Một bất ngờ đã xảy ra với anh Lanh và các đại biểu tham dự cuộc giao lưu sáng 14/3 là mặc dù anh ngất xỉu nhưng vẫn còn các đồng đội khác tiếp tục chiến đấu, tiếp tục chứng kiến những giây phút bi hùng của trận hải chiến Gạc Ma 25 năm trước và một trong những số đó là anh Lê Hữu Thảo, trung sĩ, thuộc Lữ Đoàn 146, vừa từ Hà Tĩnh lặn lội vào Đà Nẵng chiều hôm trước để kịp góp mặt trong buổi giao lưu. Hai người cựu binh Trường Sa ôm lấy nhau bồi hồi xúc động. 

Hải chiến Trường Sa 14/3/1988: Các anh hy sinh cho Tổ quốc trường tồn! - ảnh 6
Và anh hết sức xúc động khi bất ngờ được gặp lại người đồng đội đã cứu mình, anh Lê Hữu Thảo!

Anh Thảo kể: "Sáng 14/3, tôi từ tàu HQ 604 nhận lệnh trực tiếp của anh Phương mang theo hai chiến sĩ và 2 khẩu AK lên đảo Gạc Ma cắm cờ và bảo vệ cờ. Lúc đó có 2 thêm chiến sĩ E83 chèo xuồng vào. Sau đó khoảng 5 - 10 phút thì anh Lanh nhảy xuống, bơi vào với chúng tôi. Lúc đó tàu Trung Quốc ập đến, đổ bộ xuống 50 tên lính. Bọn chúng vừa bao vây chúng tôi, vừa ăn sáng vừa chĩa đại liên vào tàu, xuồng của chúng ta khiêu khích. Có 3 chiếc tàu chiến Trung Quốc bao vây tàu HQ604, còn 1 chiếc ở phía ngoài.

Chúng tôi được lệnh giữ đảo bằng tinh thần của người Việt Nam là yêu chuộng hoà bình chứ không chủ động dùng vũ lực. Tình hình lúc đó rất căng thẳng. Khi thấy cờ Việt Nam bay trên đảo, quân Trung Quốc lao đến giành giật bằng tay không, bằng lưỡi lê nhưng ngay sau đó đã nổ súng đồng loạt. Chỉ trong chớp mắt, đồng đội của tôi đã hy sinh gần hết. Thấy một chiến sĩ tên Tư đang bị 3 tên Trung Quốc vây đánh, tôi xông đến cứu. Vừa kéo được anh Tư ra thì tôi bị một tên Trung Quốc đâm lưỡi lê vào ngực khiến tôi ngã ra.

Lúc đó nước thuỷ triều đang lên khoảng 40 - 50 phân. Tôi lặn xuống chừng 5m, ngoi lên thì bị súng Trung Quốc bắn như một lưới lửa. Tôi lại lặn xuống, ngoi lên mấy lần trong khi bị quân Trung Quốc vãi đạn như mưa. Khoảng 10 - 15 phút thì tàu HQ604 bị bắn chìm, đồng thời bọn chúng bắn sang tàu HQ505 và HQ 605. Tàu HQ605 bị nghiêng gần chìm, còn tàu HQ505 lao lên đảo Cô Lin. Ở đảo Gạc Ma, đồng đội của tôi đã hy sinh gần hết, chỉ còn được 6 người và 1 chiếc xuồng. Chúng tôi bơi ra vớt được anh Lanh, anh Hải và thi thể anh Phương, nhưng không kịp vớt thêm được đồng chí nào nữa. 

Hải chiến Trường Sa 14/3/1988: Các anh hy sinh cho Tổ quốc trường tồn! - ảnh 7
Anh Lê Hữu Thảo đau đáu nỗi nhớ về các đồng đội đã hy sinh

Trên thực tế chúng tôi vẫn giữ được đảo. Quân Trung Quốc rút về phía cuối đảo rồi cũng rút rất nhanh, còn chúng tôi thì giữ được đảo. Nhưng thuỷ triều lên rất cao, chúng tôi thì chỉ còn mỗi một khẩu AK. Đợi đến gần 1 giờ nhưng tàu HQ505 cũng bị nặng rồi không có cách gì cứu viện được. Chúng tôi không có cách gì để trụ lại được, cũng không còn một cái gì để có thể cắm quốc kỳ lên. Vì vậy mọi người chèo xuồng về phía tàu HQ505. Trên xuồng có anh Lanh bị thương nặng, anh Hải bị bỏng nặng và thi thể anh Phương, sau đó chúng tôi còn vớt thêm được một đồng chí nữa là máy trưởng tàu HQ604. Chúng tôi chèo xuồng khoảng 3 giờ thì tàu HQ505 phát hiện và dùng xuồng máy ra cứu".

Cô MC Bích Liên đặt câu hỏi: "Lúc được giao nhiệm vụ lên đảo cắm cờ Tổ quốc, anh có thấy sợ không?". Anh Thảo đáp nhẹ nhàng: "Không chỉ riêng tôi mà các anh em lính E83, Lữ đoàn 146... và tất cả quân nhân đã là người Việt Nam thì chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là một nhiệm vụ thiêng liêng. Không một ai có thái độ hoặc lời nói gì mang tính chất run sợ. Khi bị 50 tên Trung Quốc bao vây, chúng tôi vẫn hết sức bình tĩnh, vẫn hút thuốc, nói chuyện mặc kệ chúng nó chĩa súng vào mình. Chúng tôi nói với nhau: Đất của mình, đảo của mình thì mình giữ, việc của mình thì mình cứ làm. Thế thôi!". Cả hội trường rào rào tiếng vỗ tay.

Con đã hy sinh cho thế hệ trẻ sau nay biết lo, biết nghĩ

Anh Thảo kể thêm, sau khi được tàu HQ505 cứu, các anh đưa thi thể anh Trần Văn Phương lên đảo Cô Lin. Tối hôm đó, có tàu ra chở anh Lanh, anh Hải và một số người bị thương vào đất liền trước; còn anh Thảo, thi thể anh Phương và một số người khác thì đưa vào đảo Sinh Tồn. Là lính trực tiếp của thiếu uý Trần Văn Phương nên anh Thảo, anh Giúp thức canh thi thể của thủ trưởng từ tối đến sáng. Trong lúc canh, các anh phát hiện trên tay anh Phương có một chiếc nhẫn cưới nên đã tháo ra, trao cho Lữ đoàn 146 để gửi về cho gia đình. "Cách đây không lâu, tôi vào thăm má anh Phương, thắp cho anh nén nhang và có hỏi về chiếc nhẫn thì má của anh nói đơn vị gửi về một chiếc balô có một ít đồ, trong đó có chiếc nhẫn cưới!" - anh Thảo kể.

Hải chiến Trường Sa 14/3/1988: Các anh hy sinh cho Tổ quốc trường tồn! - ảnh 8
Sau buổi giao lưu, hai anh Nguyễn Văn Lanh và Lê Hữu Thảo đã tâm sự với nhau rất nhiều

Thượng tá Hoàng Văn Hoan cho hay, sau khi xảy ra trận hải chiến Gạc Ma, các lực lượng của Quân chủng Hải quân vẫn tiếp tục công việc còn đang dang dở của các liệt sĩ đã hy sinh. "Ngay ngày 16/3, chúng tôi liên tục tổ chức 2 đoàn đi xây dựng các công trình trên quần đảo Trường Sa theo kế hoạch của Quân chủng. Khí thế của bộ đội không những không chùn bước mà vẫn hướng về Trường Sa thân yêu, hăng hái xung phong đi đảo rất nhiều. Có đồng chí đi đến 4 - 5 lần, vẫn luôn giữ vững khí phách, quyết tâm xây dựng đảo!".

Ông nhấn mạnh: "Khí hậu ở Trường Sa rất khắc nghiệt, rất nhiều sóng to gió lớn. Việc vận chuyển vật tư, vật liệu, hàng hoá từ tàu vào đảo rất khó khăn, phải chở bằng xuồng, nhưng phương tiện của chúng ta vẫn còn hạn chế. Trong khi đó tàu Trung Quốc luôn hoạt động gây căng thẳng, khiêu khích trên biển Đông khiến việc xây dựng đảo của chúng ta cũng rất căng thẳng. Mặt khác, trên đảo rất thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, cho xây dựng, các chiến sĩ phải chia nhau từng giọt. Tuy nhiên cán bộ, chiến sĩ công binh nói chung cũng như cán bộ, chiến sĩ trên đảo nói riêng vẫn quyết tâm vượt qua để xây dựng Trường Sa thực sự vững mạnh".

Trả lời câu hỏi của một bạn trẻ: "Trong lúc đang bị thương nhưng chú vẫn cố gắng giữ vững lá cờ Tổ quốc. Cháu xin hỏi lúc đó động lực nào đã giúp chú có hành động dũng cảm như vậy?", anh Nguyễn Văn Lanh nói: "Lúc nào tôi cũng thương nhớ về 64 đồng đội của mình đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để giữ đảo, giữ cờ Tổ quốc. Các anh ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ. Nhưng chúng tôi luôn tâm niệm các bậc cha anh đi trước đã có công dựng nước thì lớp trẻ phải có trách nhiệm giữ nước. Đã ra trận là sẵn sàng cống hiến, không bao giờ đầu hàng trước kẻ thù xâm phạm mảnh đất thiêng của Tổ quốc!".

Hải chiến Trường Sa 14/3/1988: Các anh hy sinh cho Tổ quốc trường tồn! - ảnh 9
Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Lanh kể lại cho các bạn trẻ Đà Nẵng về sự hy sinh anh dũng của các đồng đội trong trận hải chiến Gạc Ma 14/3/1988

25 năm qua, dù luôn ước mơ được một lần trở lại thăm Trường Sa, dâng hoa xuống biển cho các đồng đội đã anh dũng hy sinh nhưng do bị thương quá nặng, sức khoẻ sa sút nghiêm trọng nên từ đó đến nay Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Lanh vẫn chưa có dịp biến ước mơ đó thành hiện thực. Dù vậy anh vẫn ao ước "một ngày gần nhất được ra dâng hoa cho những anh hùng Trường Sa đã hy sinh vì Tổ quốc". Anh Lê Hữu Thảo tâm sự: "Mỗi năm đến ngày này là tôi lại thắp hương cho những đồng đội đã hy sinh. Tôi cũng rất ao ước được một lần ra thăm lại nơi đồng đội đã ngã xuống để thắp cho các anh nén nhang, đến thăm gia đình các anh. Và luôn mong muốn được kết nối lại với những đồng đội ngày ấy may mắn sống sót không biết bây giờ đang ở nơi đâu!".

Mẹ Lê Thị Muộn bày tỏ: "Mặc dù con tôi đã mất nhưng gia đình cũng mừng là con đã hy sinh cho Tổ quốc, mừng cho con vững vàng hoàn thành nhiệm vụ cho thế hệ trẻ sau này biết lo, biết nghĩ!". Xúc động trước lời mẹ, ông Thái Thanh Hùng nhấn mạnh: "Các anh vẫn sống mãi trong lòng Tổ quốc, trong lòng chúng ta. Ánh mắt của các anh luôn nhìn thẳng vào tâm hồn chúng ta, nhắc nhở chúng ta phải giữ gìn biển đảo quê hương. Các anh sống mãi như cây phong ba trong nắng gió của Trường Sa. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn của các anh!".

HẢI CHÂU

Đồn Biên phòng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.

Nghệ An: Duy trì 4 tổ công tác liên ngành kiểm soát nghề cá

Bốn tổ công tác liên ngành được bố trí tại 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Hà Tĩnh: Kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác hải sản trái phép

Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.

Tuyên truyền chống khai thác IUU ở huyện ven biển duy nhất Ninh Bình

Huyện Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển nên việc tuyên truyền chống khai thác IUU luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Hà Tĩnh: Những thách thức và giải pháp trong chống khai thác IUU

Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.

Lồng ghép tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân vùng biển

Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Nghệ An: Nỗ lực tuyên truyền chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn để ngư dân vươn khơi

Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghệ An: 100% chủ tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Nghệ An: Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản

Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.

Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Đang cập nhật dữ liệu !