Bị Nga "hắt hủi", đường ống khí đốt của Ukraine có nguy cơ thành phế liệu?
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine trong cuộc chiến pháp lý về giá cả và điều kiện cung cấp khí đốt đã xảy ra diễn biến mới, khi giám đốc Naftogaz của Ukraine Yuri Vitrenko tiết lộ rằng họ sẽ phải trả cho tập đoàn Gazprom của Nga 80 tỉ USD. Năm 2014, Gazprom đã đâm đơn kiện Naftogaz và cáo buộc chính quyền Ukraine chưa trả tiền cho khối lượng khí đốt mà nước này được nhận trong khoảng thời gian 2013 và 2014. Đáp lại, phía Ukraine cũng kiện ngược, nói rằng Gazprom đã ra giá quá cao.
Bản đồ đường ống dẫn khí đốt của Ukraine. |
Các chuyên gia đánh giá rằng khả năng thắng kiện của Gazprom cao hơn do họ đã cung cấp những bằng chứng xác thực. Điều này đã khiến các giám đốc Naftogaz lo lắng trong bối cảnh họ đang nợ nần chồng chất, trong khi đó họ đang phải chi trả nhiều hơn 20% để mua khí đốt từ châu Âu, phần lớn đều có nguồn gốc từ Nga. Ông Vitrenko thừa nhận rằng nếu thua kiện, Naftogaz sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản và phải bán tài sản của mình.
Giáo sư Igor Yushkov, một chuyên gia có uy tín người Nga cảnh báo rằng ngay cả khi tòa án nương nhẹ cho Naftogaz, công ty này vẫn có thể sẽ phá sản.
“Naftogaz không có trong tay 80 tỉ USD. Theo tôi được biết, khoản tiền mà Gazprom yêu cầu Ukraine phải trả đã vượt qua toàn bộ ngân sách quốc gia của Ukraine. Vì vậy khả năng phá sản của Naftogaz là rất cao”, ông Yushkov nói.
Chuyên gia người Nga cho biết, tình hình tài chính của Naftogaz vốn đã rất khó khăn bởi các hộ gia đình Ukraine đã không mang về đủ lợi nhuận cần thiết, trong khi các doanh nghiệp thì chuyển sang sử dụng nguồn cung cấp khí đốt khác. Trong khi đó vì lý do chính trị, Ukraine đã ngừng mua khí đốt của Nga từ năm 2015, và từ đó đến nay họ phải chi từ 230 đến 240 USD cho mỗi 1000 mét khối khí đốt mua từ châu Âu, trong khi giá thành của khí đốt Nga là 180USD.
Cũng theo ông Yushkov, một vấn đề khác của Ukraine đó là hệ thống đường ống của họ “đã lạc hậu và cần được sửa chữa, song họ lại không có nguồn ngân sách để làm vây. Nếu về lâu dài đường ống của Ukraine không được Nga dẫn khí đốt liên tục, sẽ không có quốc gia nào chấp nhận đầu tư để bảo dưỡng cho nó. Tôi cho rằng Ukraine sẽ không còn là một trạm trung chuyển khí đốt như trước đây nữa khi thỏa thuận khí đốt giữa Ukraine và Gazprom hết hiệu lực vào năm 2019. Khả năng Ukraine tìm được một nhà cung cấp mới là rất khó”.
Ông Oleg Obuhov, một chuyên gia người Nga khác cho rằng rất có thể Ukraine sẽ bán hệ thống đường ống khí đốt của mình cho các công ty nước ngoài. “Đương nhiên Gazprom sẽ bị từ chối, còn các công ty của Mỹ và châu Âu sẽ được Kiev chào đón nồng nhiệt”, ông Obuhov nói.
“Nhìn chung hệ thống ống dẫn khí đốt của Ukraine rất được các nước chú ý. Nhưng chúng chỉ có giá trị khi có khí đốt của Nga được bơm qua. Bởi việc xây dựng đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ được bắt đầu, giá trị của đường ống dẫn khí đốt của Ukraine đang dần tuột dốc và chúng có thể sẽ trở thành phế liệu”, ông Obuhov nói.
“Sau năm 2019, khả năng Ukraine có thể đạt được thỏa thuận lâu dài với một nhà cung cấp khí đốt để dẫn chúng qua các đường ống của nước này là rất khó. Ba Lan mới đây tuyên bố rằng họ sẽ nhập khẩu khí đốt Nga từ Đức, và các quốc gia lân cận với Ukraine có thể sẽ làm điều tương tự. Đường ống của Ukraine sẽ dần mất đi tác dụng của mình”, chuyên gia người Nga kết luận.