Bí mật về chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc
Phải chăng đây là dấu hiệu về một Trung Quốc quyết liệt hơn nhằm theo đuổi vị thế thống lĩnh trong khu vực? Hay đây là mong muốn của một quốc gia muốn giải quyết những yếu kém lâu đời của quân đội mình? Hay đây là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo mới của Trung Quốc không thể từ chối đòi hỏi của quân đội vào thời điểm chuyển giao chính trị?
Thực tế có vẻ bao gồm tất cả các yếu tố trên.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tiếp tục tăng dưới thời tân Tổng bí thư Tập Cận Bình. |
Về giá trị thực tế, chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong năm 2013 sẽ là 114 tỷ USD, tăng lên hơn 11 tỷ USD so với năm ngoái.
Từ thế kỷ 19, các nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đã mơ về việc xây dựng một quân đội hùng mạnh để khôi phục Trung Quốc, đưa nước này tới vị thế đáng tự hào trong hệ thống quốc tế. Thậm chí một số nhân vật còn tham vọng hơn, hi vọng Trung Quốc sẽ giành vị trí thống lĩnh ở khu vực châu Á.
Các nhà phân tích Trung Quốc cũng có thể nhận thấy quân đội Hoa Kỳ vượt trội Trung Quốc về nhiều mặt và họ lại càng khó chịu khi Hoa Kỳ thông báo về chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á – Thái Bình Dương.
Việc thể hiện cam kết tăng cường sức mạnh quân sự sẽ đáp ứng những yêu cầu trên từ trong nước đồng thời gửi một thông điệp tới thế giới rằng Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với bất kỳ thách thức nào nảy sinh từ môi trường quốc tế ngày càng trở nên phức tạp.
Trung Quốc đang tham gia vào các cuộc tranh chấp chủ quyền hàng hải với các quốc gia ở phía đông và phía nam nước này. Bên cạnh đó, mối quan hệ đồng minh với các nước thuộc khu vực Đông Á tạo ra các thách thức mới đối với các nhà hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc. Trong khi đó, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên khiến tình hình lại càng trở nên phức tạp hơn.
Trung Quốc cũng có nhu cầu phải đầu tư nguồn lực để chuyển đổi một lực lượng quân đội to lớn nhưng chỉ tập trung hoạt động trên mặt đất thành một lực lượng cơ động và được tổ chức theo kiểu mạng lưới, có khả năng hoạt động trên mọi loại địa hình: trên bộ, trên không, trên biển, vũ trụ, môi trường từ điện tử và cả trên không gian ảo. Quân đội Trung Quốc cũng đang được kêu gọi phải chuẩn bị cho các nhiệm vụ mới như nhiệm vụ chống hải tặc ở châu Phi hay sơ tán các công dân Trung Quốc ở nước ngoài khi có biến cố và những nhiệm vụ mới này đòi hỏi phải có năng lực và nguồn lực mới.
Quyết định tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc cũng ám chỉ Đảng Cộng sản cần phải làm quân đội hài lòng, củng cố sự tự tin của giới lãnh đạo mới và năng lực tạo dấu ấn chính sách của tân Chủ tịch Tập Cận Bình ngay từ những ngày đầu lãnh đạo. Có vẻ như trong thời kỳ chuyển giao chính trị, ông Tập dấn thân nhiều hơn hai người tiền nhiệm là ông Hồ Cẩm Đào và ông Giang Trạch Dân.
Nhìn một cách tổng thế chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc vẫn tăng nhưng ông Tập và giới lãnh đạo mới đã quyết định giảm tốc độ tăng. Tuy vậy, do Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy chủ nghĩa yêu nước làm cơ sở hợp pháp cho quyền lãnh đạo của mình nên giới lãnh đạo nước này sẽ phải tiếp tục đầu tư cho quốc phòng và phải đảm bảo cho quân đội cảm thấy hài lòng với ngân sách mới.
Hệ thống phòng thủ LD-2000 của Trung Quốc. |
Hiện vẫn chưa rõ kế hoạch chi tiêu cụ thể cho năm 2013 nhưng các nước láng giềng của nước này đang rất sốt ruột tìm kiếm câu trả lời.
Nếu Trung Quốc dùng ngân sách để nâng cao năng lực quốc phòng mang tính “hướng ra bên ngoài” như nghiên cứu chế tạo các hệ thống vũ khí mới, cải tiến năng lực chiến tranh mạng, chế tạo thêm tên lửa tấn công hay vũ khí chống vệ tinh, chế tạo máy bay tàng hình không người lái có trang bị vũ khí, chế tạo tàu ngầm hay đạt được năng lực cất cánh/hạ cánh máy bay trên tàu sân bay thì có lẽ các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ lo lắng.
Ngược lại, nếu ngân sách quốc phòng chủ yếu được dùng để hiện đại hóa lực lượng bộ binh và hệ thống phòng không – những hệ thống mang tính phòng thủ - thì các nước láng giềng có thể sẽ ít lo ngại hơn. Và nếu số tiền đó được dùng chủ yếu để xây dựng nhà ở, mua lương thực, quân trang, năng lượng hay trả lương cho các binh sĩ thì các quốc gia láng giềng sẽ lại càng ít lo ngại hơn.
Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế sẽ rất khó biết rõ được ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ được chi tiêu cụ thể ra sao do tính thiếu minh bạch và giải trình của hệ thống chính trị nước này.
Rõ ràng Trung Quốc gắn bó với mục tiêu xây dựng một quân đội mạnh và hiện đại để đối phó với môi trường an ninh quốc tế ngày càng phức tạp hơn. Đồng thời, việc tăng ngân sách quốc phòng cũng sẽ giúp nước này đạt thêm mục tiêu là củng cố mối quan hệ giữa giới lãnh đạo mới và quân đội.