Bệnh không lây nhiễm gia tăng vì thuốc lá
![]() |
Tại hội nghị về Phòng chống bệnh không lây nhiễm do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức, theo Bộ trưởng Bộ Y tế bệnh không lây nhiễm là các bệnh mạn tính, không có khả năng lây truyền nhưng thời gian mắc bệnh kéo dài, phổ biến là tim mạch, ung thư, đái tháo đường, huyết áp, phổi mạn tính.
Ở nước ta, cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc bệnh không lây nhiễm. Mỗi năm nước ta có thêm 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư.
Theo bà Tiến bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở hầu hết các quốc gia ở Châu Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trong những bệnh không lây nhiễm thì bệnh tim mạch gây tử vong nhiều nhất. Sau đó đến bệnh ung thư, bệnh hô hấp và đái tháo đường.
Xu hướng tăng nhanh này là kết quả của những thay đổi về nhân khẩu học, chế độ ăn, lối sống và quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội trên toàn cầu.Với mức độ gia tăng nghiêm trọng như vậy, các bệnh không lây nhiễm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
WHO khuyến cáo, 70% số ca tử vong do nhóm bệnh không lây nhiễm có thể chủ động phòng ngừa. Tuy nhiên, việc phòng ngừa đang gặp nhiều khó khăn do tâm lý chủ quan và tỷ lệ người sử dụng rượu bia, thuốc lá ngày một gia tăng. Theo khảo sát, cả nước có 77% dân số đã và đang sử dụng đồ uống có cồn, 11% số đó sử dụng đồ uống có cồn đến mức nguy hại.
Trong khi đó, thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra đủ các bệnh từ ung thư, tim mạch, đái tháo đường....
PGS Bùi Diệu - Nguyên Giám đốc Bệnh viện K trung ương cho biết, tại Việt Nam - mô hình bệnh tật điển hình của các nước đang phát triển, đời sống xã hội chưa cao, trình độ vệ sinh thấp, lại ở vào vùng nhiệt đới khí hậu nóng bức, ẩm ướt nên các bệnh tật chủ yếu là những bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng và các bệnh suy dinh dưỡng.
Hiện nay, mô hình này tuy đã được cải thiện đáng kể nhưng cơ bản vẫn còn tồn tại. Nguy hiểm hơn, Việt Nam còn hình thành mô hình bệnh tật của các nước phát triển và sự xuất hiện ngày càng nhiều của bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường và tai nạn giao thông.
Năm 1990 trên toàn quốc, số ca mắc mới ung thư ở Việt Nam là 52 nghìn trường hợp trong đó 28 nghìn là nam giới, 24 nghìn là nữ giới.
Năm 2000, cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế phối hợp với 2 trung tâm ghi nhận ung thư quần thể ở Hà Nội và TP.HCM ước tính, có khoảng 71 nghìn bệnh nhân ung thư mắc mới, trong đó 37 trường hợp là nam giới, 33 nghìn trường hợp là nữ giới.
Đến nay, theo thống kê của riêng BV K trung ương, mỗi năm Việt Nam có 126.000 ca mắc ung thư và 94.000 bệnh nhân tử vong mỗi năm.
Theo các chuyên gia, con số tử vong này gấp 9 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông, với khoảng 257 người tử vong mỗi ngày vì ung thư. Do đặc thù phát hiện muộn (với trên 70% bệnh nhân ung thư đến viện khi đã ở giai đoạn muộn) khiến việc điều trị không thể mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, các bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam đó là ung thư phổi, ung thư vú ở nữ giới, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, cổ tử cung ở nữ.
Riêng với bệnh ung thư phổi là bệnh đứng trong hàng tóp đầu các bệnh ung thư, GS Bùi Diệu cho biết nếu cứ đà như hiện nay đến năm 2020, cả nước có 22,938 trường hợp mắc ung thư phổi ở cả hai giới. Và nguyên nhân gây ung thư phổi được xác định là do thuốc lá tới 90 % dù hút thuốc chủ động hay bị động.
Khoảng 90% số lượng ca ung thư phổi đến từ việc hút thuốc lá và những người hút 40 bao trong vòng 1 năm có nguy cơ bị ung thư cao gấp 20 lần so với người không hút thuốc.
Như vậy, nguy cơ mắc ung thư phổi càng cao khi bạn hút thuốc lá càng nhiều và diễn ra trong thời gian dài. Những chất độc hại có trong thuốc lá hay còn gọi là tác nhân gây ung thư có thể làm thương tổn các tế bào phổi, dần dần các tế bào này phát triển thành ung thư.
Nếu ngừng hút thuốc lá, bạn có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc bệnh, trong đó bỏ thuốc trước 40 tuổi giảm đến 90% nguy cơ mắc các bệnh do hút thuốc.