Bé 13 tháng tuổi chết sặc thạch rau câu
![]() |
Bé N. đang ăn thạch rau câu thì bị sặc, nuốt cả cục rau câu vào họng, gây nên hiện tượng tím tái, không thở được (ảnh minh họa) |
Trước đó, ngày 4.2, bé K.T.T.N (13 tháng tuổi, nặng 13 kg, ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) được đưa vào viện trong tình trạng tím người, ngưng thở, ngưng tim… Ngay sau đó, bé N. được cấp cứu, hồi sức ép tim, đặt nội khí quản để thông đường thở, khoảng 30 phút sau thì tim đập đều trở lại.
Tuy nhiên, đến ngày 5.2, tình trạng sức khỏe của bé N. xấu đi: đồng tử giãn, ngưng tim, mất hết phản xạ, người nhà xin về để lo hậu sự. Theo gia đình bé K.T.T.N, bé đang ăn thạch rau câu thì bị sặc, nuốt cả cục rau câu vào họng, gây nên hiện tượng tím tái, không thở được, sau đó gia đình đã đưa bé đi trạm xá rồi chuyển viện nhưng không qua khỏi.
Nguồn: Báo Bình Định
Những kỹ năng cơ bản để mẹ sơ cứu khi bé bị hóc - sặc
Trả lời về vấn đề này, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc sơ cứu trẻ hóc dị vật vô cùng quan trọng, nếu xử lý đúng cách và kịp thời sẽ cứu được bé trong gang tấc. Nếu không kịp thời chỉ sau 5-6 phút, dị vật chèn đường thở sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu sặc sữa, sặc cháo, hay hóc dị vật (thực phẩm cứng, đồ vật nhỏ…), cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh những thao tác như sau:
Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.
Sau khi làm xong nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức.
Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra thì cha mẹ cần hút kỹ chúng để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể làm cách khác. Với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực.

Lấy 3 ngón tay ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.

Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ và người trông trẻ có thể dùng biện pháp ép bụng (phương pháp Heimlich). Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.

Minh họa biện pháp ép bụng
Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh.
Sau đó đưa bé ngay vào viện.
Nguồn: afamily