Báo điện tử tranh cãi về bản quyền thông tin
Báo điện tử tranh cãi về bản quyền thông tin
Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã xử lý một số trường hợp vi phạm bản quyền mang tính răn đe. Và các tờ báo phải tham gia tích cực bảo vệ bản quyền của mình.
Công tác giữ bản quyền trên báo điện tử còn tồn tại nhiều vấn đề khúc mắc |
Ngày 6 - 4, Hội thảo góp ý dự thảo thay thế nghị định 97 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ và thông tin điện tử trên Internet, do Bộ TT&TT tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn chủ trì hội thảo. Với dự thảo lần 3 nhằm thay thế nghị định 97, tại hội thảo đã có trên 20 ý kiến góp ý của đại biểu đại diện từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và báo chí.
Trong đó, vấn đề bản quyền của các bài viết trên báo điện tử được “xào” lại trên các trang thông tin điện tử được đặc biệt quan tâm. Đại diện báo Thanh Niên bức xúc: Hiện có nhiều trang thông tin điện tử không xin phép nhưng vẫn lấy tất cả các thông tin của báo Thanh Niên. Ví dụ như trên Báo Mới. Chúng tôi cho rằng trong nghị định cần quy định rõ những thông tin đó do ai cung cấp và có vi phạm bản quyền hay không. Và sẽ có biện pháp xử lý ra sao?!
Đại diện báo điện tử Vietnamplus của Thông tấn xã cũng khẳng định "nhiều tờ báo điện tử khác và các trang thông tin điện tử lấy tin của chúng tôi không xin phép".
Cùng chung quan điểm, đại diện báo Vietnamnet cho rằng: Không ít tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử lấy thông tin trên Vietnamnet rất hồn nhiên, thoải mái, mà không hề có sự thỏa thuận hay đồng ý. Liên quan tới trích dẫn nguồn tin, có lúc bài gốc nhầm lẫn, báo Vietnamnet đã chỉnh sửa hoặc rút xuống, trong khi các tờ báo lấy lại không hề sửa hoặc rút xuống, khiến việc phát tán thông tin sai lệch rộng khắp gây hoang mang cho độc giả. Bên cạnh đó, cũng xảy ra tình trạng, quảng cáo của các tờ báo lấy lại thông tin nhiều hơn các tờ báo chính thống…
Đại diện của trang Báo Mới phân trần: Trang thông tin của chúng tôi giống như một siêu thị lớn có các mặt hàng, mà mỗi tờ báo là một mặt hàng. Khi lấy thông tin từ các báo khác chúng tôi luôn giữ nguyên giao diện báo gốc, cùng quảng cáo cũng như thương hiệu. Đó cũng là một cách chúng tôi trân trọng các tờ báo gốc… Rất nhiều tờ báo chưa hiểu đúng cách làm của chúng tôi.
Trước những tranh luận này, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử nói: Trước đây, nhiều tờ báo cho rằng, việc lấy lại giữa các báo điện tử, trang thông tin điện tử cũng là một cách quảng bá cho hình ảnh, thương hiệu của tờ báo đó. Nghĩa là càng được phát tán nhiều thì tờ báo đó càng được độc giả biết đến nhiều hơn. Thậm chí, dưới chân trang chủ mỗi mỗi website chỉ ghi câu: “Cần ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này”! Tuy nhiên, Bộ TT và TT đã có văn bản nêu rõ các tờ báo lấy lại thông tin của nhau phải có thỏa thuận bằng văn bản.
Theo ông Hải, thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã xử lý một số trường hợp vi phạm bản quyền mang tính răn đe. Và các tờ báo phải tham gia tích cực bảo vệ bản quyền của mình.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho rằng, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều đóng góp cụ thể, tỉ mỉ cho nghị định mới. Tuy nhiên không thể đưa hết vào nghị định. Vì vậy sẽ có những thông tư, hướng dẫn văn bản đảm bảo cho sự tương xứng. Về vấn đề bản quyền của các báo điện tử và trang thông tin điện tử Bộ sẽ cân nhắc những quy chế, cơ chế để quản lý.
Ngoài ra, đề cập tới các trang tin điện tử cá nhân, blog ở Việt Nam, ông Doãn cho rằng: “Không ít người lập blog để chửi đổng, bêu rếu người khác… Vì vậy, nhiệm vụ của nhà quản lý là phải làm cho môi trường của Internet trong sạch hơn. Do đó cần sự nỗ lực từ nhiều phía để vươn tới sự hoàn thiện”.
Lê Nguyễn