Bánh chưng mốc cắt phần mốc còn ăn được không?
Bánh chưng mốc nên bỏ đi không nên bỏ phần mốc hoặc luộc lại |
Nguy cơ ngộ độc
Gia đình chị Nguyễn Thị Hoà trú tại Gia Lộc, Hải Dương năm nào đến Tết cũng gói 20 chiếc bánh chưng để ăn Tết và dịp sau Tết. Thói quen sinh hoạt của gia đình chị năm nào cũng thế và nếu thời tiết lạnh thì bánh chưng không bị mốc còn thời tiết nóng, gió đông thì chỉ mùng 1, mùng 2 là bánh chưng đã mốc.
Chị Hoà thường có thói quen cắt phần bánh chưng đã bị mốc bỏ đi và ăn phần khác cho vào rán lên để ăn.
Chị Hoà kể không riêng gì gia đình chị mà hầu như nhà ai ở quê chị cũng thế. Đặc biệt, khi bỏ những chiếc bánh chưng đi ai cũng tiếc. Ngày trước còn chăn nuôi lợn, gà thì cho lợn gà ăn nhưng gần đây các gia đình không chăn nuôi nữa nên việc bỏ bánh chưng vào thùng rác mọi người vẫn e dè và thường cố ăn dù đã nấm mốc.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về thực phẩm, PGS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, bánh chưng dù đã cắt bỏ phần bị bánh chưng bị hỏng hoặc chế biến bằng cách rán lên nhưng nấm mốc vẫn có thể xâm nhập sâu bên trong, người dùng vẫn phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc.
Bánh chưng là món ăn truyền thống trong các gia đình vào dịp Tết. Nếu gặp những ngày thời tiết nắng nóng, trời nồm, bánh chưng thường bị thiu chua, meo mốc, nếu ăn vào rất dễ bị đau bụng, tiêu chảy, có khi bị nhiễm độc, rất có hại đối với sức khỏe.
Bác sĩ Lê Thị Hải, Chuyên gia Dinh dưỡng, Nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: "Nhiều bà nội trợ vì tiếc của nên cố tình sử dụng bánh chưng đã mốc. Dù đã cắt bỏ phần bị bánh bị hỏng hoặc chế biến bằng cách rán lên nhưng nấm mốc vẫn có thể xâm nhập sâu bên trong, có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa".
Bác sĩ Hải cũng cho biết thêm, một số loại vi khuẩn, nấm mốc sau khi chết vẫn tiết ra độc tố gây ra ngộ độc cho người sử dụng, nguy hiểm hơn là ung thư. Ngoài bánh chưng, tất cả những loại thực phẩm khác như lạc, đỗ, gạo bị mốc nếu ăn vào đều nguy hiểm.
TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết tốt nhất không nên ăn những thực phẩm đã bị mốc như vậy vì tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ Aflatoxin từ thực phẩm.
Để bánh chưng Tết luôn ngon lành, không nên gói quá chặt tay, bánh sẽ dễ bị lại gạo, cứng, ăn không ngon. Cũng không nên gói quá lỏng tay vì bánh sẽ quá mềm và dễ bị mốc. Nên luộc kỹ cho bánh chín đều và "rền". Sau khi luộc chín, dỡ bánh ra một chậu nước sạch, tốt nhất là dùng một chậu nước đã đun sôi, để nguội vừa ấm tay và rửa từng cái bánh cho hết nhớt trên bề mặt lá bên ngoài bánh.
Nguy cơ mang bệnh từ các loại hạt
Không chỉ riêng với bánh chưng, PGS Thịnh cũng khuyến cáo thêm nấm mốc có thể ẩn chứa trong các loại khác do ngày tết mọi người có thói quen nhâm nhi như hạt dưa, hướng dương, lạc... các loại hạt này rất dễ bị mốc trong quá trình bảo quản.
Khi các loại hạt bị mốc sẽ nhiễm rất nhiều độc tố vi nấm mà điển hình là chất độc aflatoxin, đây là chất có thể gây ung thư cho người bị nhiễm. Vì thế, trong dịp Tết và sau Tết, cần chú ý các loại thực phẩm này. Cụ thể, các loại hạt như hướng dương, lạc, bí... khi nhận thấy dấu hiệu bị mốc cần vứt bỏ ngay.
Loại nấm mốc này thường phát triển thuận lợi ở điều kiện ẩm thấp (khoảng 85%) và mắt thường không thể nhìn thấy.
Nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng nếu động vật hay con người ăn phải những hạt này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, hệ tiêu hóa hoặc nguy hiểm hơn có thể đe dọa đến tính mạng. Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên khỉ và cho kết luận rằng rất nhiều khỉ đã được chẩn đoán ung thư gan.