Bản tin Hoàng Sa ngày 24/5: Chỉ còn 4 hải lý…
10h, Biên đội tàu Kiểm ngư 4 gồm các tàu HP926, 768, 769, 770 và CSB 4032 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 và chi viện các mũi tiến sâu vào khu vực này.
10h30, tàu CSB 4032 tiến sâu vào khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép khoảng 4 hải lý. Tàu CSB 4032 liên tục tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Ngay lập tức các tàu bảo vệ của Trung Quốc áp sát tàu CSB 4032. Khi đó các tàu kiểm ngư 768, 769, 770 và HP 926 chia thành nhiều mũi cùng tiến vào khu vực này. Cùng lúc, dưới sự hỗ trợ của máy bay tuần thám, hải giám B 3808 của Trung Quốc ở độ cao 250 m, các tàu hải cảnh số hiệu 4001, 3701 của Trung Quốc hung hăng rượt đuổi tàu CSB 4032 của Việt Nam.
Khi tàu HP 926 tiến vào chi viện cho tàu CSB 4032 thì tàu hải cảnh 3701 cùng tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc tăng tốc chặn đầu rượt đuổi tàu HP 926. Đặc biệt tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc hung hăng đuổi theo tàu HP 926 của ta, quyết tâm đâm bằng được tàu HP 926.
Đêm qua 23/5, khi các tàu kiểm ngư của Việt Nam cách giàn khoan Haiyang Shiyou 981 khoảng 10 hải lý, các tàu của Trung Quốc đã dùng đèn pha và còi hú với công suất cực lớn nhằm đẩy các tàu của Việt Nam ra xa khu vực giàn khoan Haiyang Shiyou 981.
Trong quá trình áp sát, vây ép, 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng và súng bắn nước để bắn vào buồng hành trình của tàu Kiểm ngư 630, gây vỡ kính, chập cháy toàn bộ hệ thống điện và làm hư hỏng nặng tàu Kiểm ngư 630.
Hai kiểm ngư viên đã bị thương nhưng đều được sơ cứu kịp thời, ổn định sức khỏe. Bất chấp hiểm nguy, các tàu kiểm ngư của chúng ta đã vào hỗ trợ kịp thời tàu kiểm ngư 630 để dẫn dắt ra sửa chữa, khắc phục.
Bước sang ngày thứ 24, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam tiếp tục kiên trì đấu tranh hòa bình. Các tàu cá của ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục bám biển chủ quyền, đánh bắt ở phía tây nam, cách giàn khoan Haiyang Shiyou 981 khoảng 7-9 hải lý. Trung Quốc vẫn bố trí tàu kéo và tàu cá vỏ sắt sẵn sàng đâm va, phun nước nhằm chia cắt, cản phá đội hình tàu cá Việt Nam. Dưới sự hỗ trợ, bảo vệ của lực lượng kiểm ngư, tàu cá của bà con ngư dân Việt Nam yên tâm bám biển.
Đây là lần thứ hai những người Việt yêu nước hiện đang làm việc, học tập và sinh sống tại Bỉ xuống đường phản đối Trung Quốc đã vi phạm Công ước của LHQ về luật biển.
Cuộc míttinh trước trụ sở Hội đồng châu Âu nhằm thông tin sâu rộng cho cộng đồng quốc tế thấy rõ những hành động sai trái của Trung Quốc. Trong màu cờ đỏ sao vàng, đoàn người giương cao biểu ngữ bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Hà Lan với nội dung yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép tại vùng biển đặc quyền của Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế về biển, Việt Nam yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh.
Tất cả đều hô vang khẩu hiệu bằng nhiều thứ tiếng tỏ rõ thái độ của Việt Nam cũng như gửi gắm thông điệp đến cộng đồng quốc tế.
* Tướng 4 sao Samuel Locklear, người chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương hôm thứ Sáu (23/5) đã cảnh báo nguy cơ tính toán sai lầm của Trung Quốc có thể gây ra một cuộc xung đột có quy mô tại biển Đông.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc phớt lờ công luận, tiếp tục đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 khai thác phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục dịa của Việt Nam.
Đô đốc Samuel Locklear cũng kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đẩy nhanh việc soạn thảo một ràng buộc pháp lý Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông để ngăn chặn những va chạm trên biển có thể biến thành xung đột vũ trang và đe dọa nền kinh tế nhộn nhịp của khu vực.
Trước đó, các nhà ngoại giao ở Đông Nam Á đã cáo buộc Trung Quốc trì hoãn việc bắt đầu đàm phán cho một hiệp ước bất tương xâm như vậy. Họ cho rằng Trung Quốc cố tình trì hoãn để có thời gian củng cố sự kiểm soát của các vùng lãnh thổ của các quốc gia khác.
* Sáng 24/5, bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Chủ trương của của chúng ta là sử dụng các giải pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta đang củng cố hồ sơ làm cơ sở khởi kiện các nội dung có liên quan ra toà án quốc tế, nếu Trung Quốc không có động thái rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam thì ta phải có hành động"
* Ngày 23/5, Reuters dẫn lời Hồng Lỗi - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Nhật nên "đứng ngoài” tranh chấp trên biển Đông. Phát ngôn của Trung Quốc đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng trong khu vực khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Không chỉ cảnh báo Nhật, Trung Quốc cũng đã từng lên tiếng đe dọa Mỹ về vấn đề tranh chấp Biển Đông. Thuật lại nội dung cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo ngày 13/5, Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết ông Vương đã yêu cầu phía Mỹ “nên cẩn trọng trong từ ngữ và hành động”. Ngoài ra, bà Hoa đã có phát biểu “ăn miếng trả miếng” rằng: “Chính Mỹ đã đưa ra một loạt các phát biểu xuyên tạc về tình hình trên biển, kích động một số quốc gia tiến hành những hành động đe dọa và khiêu khích”.
“Chúng tôi hi vọng rằng Mỹ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng vai trò của mình nên là gì, nếu nước này thực sự muốn Thái Bình Dương trở nên thái bình”, bà Hoa phát biểu.