Bản tin Hoàng Sa 17/5: Tàu hải cảnh TQ đâm tàu kiểm ngư VN thủng mạn
Tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 46101 dùng vòi rồng tấn công một tàu Kiểm ngư VN hôm 4/5. |
* Sáng ngày 17/5, biên đội tàu cảnh sát biển (CSB) Việt Nam nhận lệnh tiếp cận giàn khoan trái phép Hải Dương-981. Ngay sau khi vừa thực thi nhiệm vụ, biên đội tàu CSB Việt Nam đã bị hai tàu chiến Trung Quốc số hiệu 789 và 755 chặn đường và đe dọa.
Tàu chiến 789 là tàu tuần tiễu, tấn công nhanh, lớp Hải Thanh. Còn tàu 755 là tàu tên lửa tấn công nhanh, lớp Khẩu Thanh. Theo nhận định của thuyền trưởng tàu CSB 4033 Lê Trung Thành, có thể đây là hai tàu chiến được lực lượng Trung Quốc tăng cường để bảo vệ giàn khoan trái phép.
Khi tàu CSB 2013 tiến lên thì một tàu hải cảnh Trung Quốc tiến về tàu CSB 2013 với tốc độ rất cao để ngăn cản. Hai tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 46001, và 3210 lao vào kẹp chặt tàu CSB 4033, cuộc rượt đuổi với tốc độ cao khoảng 30 hải lý/giờ diễn ra căng thẳng.
Đến 8 giờ 25 phút, tàu CSB 4033 bật loa tuyên truyền với 3 thứ tiếng Việt, Trung, Anh nhưng tàu Trung Quốc 46001 vẫn ngoan cố bám đuổi và mở loa công suất lớn hướng vào tàu CSB 4033.
Vào tối 16/5, tàu Kiểm ngư VN KN 774 đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 46101 đâm toạc mạn trái, bị thủng mạn với độ dài 3 mét.
* Tuần san Business của Bloomberg ngày 16/5 đưa tin, phát biểu trong một buổi mít tinh kỷ niệm 60 năm của hiệp hội Hữu nghị nhân dân Trung Quốc hôm 16/5 tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố: "Không có gen xâm lược trong máu người Trung Quốc".
Tân Hoa Xã trích lời Tập Cận Bình cho biết, "Trung Quốc chắc chắn sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình và muốn thúc đẩy hòa bình thế giới với các nước khác. Nhân dân trong cả nước cần tăng cường giao lưu hữu nghị và chung tay đối mặt với tình hình quốc tế phức tạp". Trước đó, trong một bài phát biểu tại Paris nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Pháp, Tập Cận Bình ví von Trung Quốc "là con sư tử hòa bình, dễ chịu, văn minh."
Tuy nhiên những gì người Trung Quốc đang làm với Việt Nam trên Biển Đông cũng như những phát biểu hiếu chiến, bịa đặt của cấp dưới ông Tập Cận Bình đang ngược lại hoàn toàn với những gì ông nói về cái gọi là "hòa bình, dễ chịu, văn minh" mà nước ông đang theo đuổi.
* Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 16/5 một lần nữa lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Biển Đông. Trong cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney mô tả quyết định của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động khiêu khích, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh không nên tiếp tục gây thêm căng thẳng trong khu vực mà nên hành xử một cách an toàn và chuyên nghiệp.
Ông Carney nói: “Quyết định đơn phương của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động khiêu khích. Hành động này sẽ khiến căng thẳng leo thang trong khu vực”.
* Chiều 17/5, hơn 200 người Việt đang sinh sống và học tập ở Melbourne, Australia và những người bạn Úc đã biểu tình ôn hòa trước lãnh sự quán TQ tại Melbourne, phản đối việc TQ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển VN. Những người biểu tình, có cả những người VN rời cách đây 35 - 40 năm, những bạn trẻ sinh ra ở Australia và các sinh viên VN đang du học ở Úc đã cùng hát vang bài hát Nối vòng tay lớn, Việt nam ơi…và hô vang các khẩu hiệu yêu cầu TQ tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt hành động xâm phạm chủ quyền của VN cũng như đe dọa hòa bình an ninh khu vực.
“Tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nước khác là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt với các nước lớn. TQ đã vi phạm những điều đó”, ông John Hamilton, giảng viên ĐH Victoria, người đồng hành tại buổi biểu tình chia sẻ.
* Tại cuộc họp báo trong chuyến công du Mỹ, tướng Phòng Phong Huy - Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc nói giàn khoan nằm hoàn toàn trong lãnh hải của Trung Quốc vì nằm trong khu vực 12 hải lý tính từ một trong số các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam năm 1974). Sau cuộc họp báo, các quan chức Mỹ phản đối tuyên bố của ông Phòng, nói rằng giàn khoan nằm cách 17 hải lý so với điểm cực Nam của Hoàng Sa.
Trong cuộc họp báo ngày 16-5, Tổng Cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề Hải dương Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tịnh thừa nhận giàn khoan nằm cách 17 hải lý tính từ điểm gần nhất của Hoàng Sa. Vì thế, theo ông này, đó là một phần của vùng tiếp giáp lãnh hải của Trung Quốc, chứ không phải lãnh hải, theo luật quốc tế.
Wall Street Journal tiếp tục tấn công luận điểm của ông Âu Dương. Tờ báo dẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cho rằng một quốc gia có các quyền chủ quyền đối với lãnh hải (12 hải lý từ đường cơ sở) nhưng đối với vùng tiếp giáp lãnh hải thì chỉ được phép thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa việc vi phạm các luật và quy định về hải quân, thuế khóa, nhập cư, vệ sinh. Trong các nguyên tắc đó không có việc khoan dầu.
* Sáng 17/5, Thường trực Ban PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi Phan Văn Ơn cho biết đêm 16/5 trên biển Đông, tàu cá VN QNg 90205 bị tàu Kiểm ngư của Trung Quốc mang số hiệu 306 khống chế, đánh bị thương nặng hai ngư dân.
Tàu cá QNg 90205 do ông Nguyễn Văn Quang (huyện Bình Sơn) làm thuyền trưởng, trên tàu có 12 lao động. Hai ngư dân bị kiểm ngư Trung Quốc đánh bị thương nặng là Nguyễn Huyền Lê Anh (sinh năm 1984) và Nguyễn Tấn Hải (sinh năm 1990). Kiểm ngư Trung Quốc cũng đập phá hầu hết tài sản trên tàu cá.
Các ngư dân trên tàu đã được sơ cứu và chạy về hướng các tàu cảnh sát biển Việt Nam để được cứu chữa.