Bài thi nào được thưởng điểm thế nào?
Điểm đột phá của kỳ thi năm nay là đề thi các môn đã được ra theo hướng kiểm tra năng lực và tư duy của thí sinh. Những thí sinh có cách giải hay sẽ được chấm điểm và thưởng điểm như thế nào? Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trả lời PV.
Thí sinh rất quan tâm đến việc chấm bài thi. Điểm chấm bài sẽ được làm tròn đến bao nhiêu ở từng môn thi và ở tổng điểm ba môn, thưa ông?
- Cán bộ chấm thi chỉ chấm theo thang điểm 10. Các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm. Riêng các môn năng khiếu và các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm có thể theo thang điểm khác, nhưng điểm toàn bài phải quy về thang điểm 10.
Khi chấm thi không quy tròn điểm từng bài thi. Việc quy tròn điểm do máy tính tự động thực hiện theo nguyên tắc: Nếu tổng điểm 3 môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5; điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1,0 thì quy tròn thành 1,0.
Bộ có chỉ đạo nào để đưa ra các ba-rem điểm không?
- Những môn thuộc khoa học tự nhiên thì đúng sai rất rõ ràng; với môn xã hội và các đề mở thì đáp án phải phù hợp để thí sinh có năng lực tốt, tư duy tốt sẽ được điểm cao.
Ba-rem điểm sẽ bám sát đáp án thế nào? Có năm đề thi khó, đáp án lỏng; năm nay, đề thi được cho là có những câu rất khó và mở, vậy ba-rem chấm có điều chỉnh độ lỏng, chặt để bao quát hết sự sáng tạo của thí sinh không?
- Trong đáp án, Ban ra đề thi đã dự kiến tất cả những yếu tố khác nhau, các tình huống có thể xảy ra, lường trước hết để thí sinh không bị thiệt thòi và sẽ mềm dẻo cho những thí sinh có phương pháp giải hay, ý tưởng tốt, tư duy đột phá được điểm cao.
Vậy điểm thưởng cho thí sinh được thực hiện thế nào?
- Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do trưởng môn chấm thi trình trưởng ban chấm thi quyết định, nhưng không vượt quá 1 điểm.
Năm nay có khoảng 910.000 học sinh tốt nghiệp THPT, có bao nhiêu em trong số đó được vào học ĐH, CĐ?
- Năm nay có hơn 1 triệu thí sinh (910.000 học sinh tốt nghiệp THPT và khoảng 300.000 thí sinh tự do) dự thi ĐH. Sẽ có gần một nửa số em (khoảng 550.000 học sinh) được vào học ĐH, CĐ. Số còn lại và các em chưa tốt nghiệp THPT có thể tham gia học nghề tại các trường nghề và trung cấp chuyên nghiệp.
Trong kỳ thi này, rộ lên tin đồn đoán về việc rút ngắn đường đi tới 1 kỳ thi 2 mục đích. Xin ông cho biết cụ thể phương hướng của kỳ thi này.
- Kỳ thi tuyển sinh năm nay cho thấy rất rõ ràng con đường đi của 1 kỳ thi 2 mục đích sắp tới. Kỳ thi 2 trong 1 này sẽ là một kỳ thi quốc gia và được tổ chức nghiêm túc như kỳ thi tuyển sinh “ba chung”.
Vấn đề là làm sao cho kỳ thi đáng tin cậy. Đề thi sẽ có 2 phần (cơ bản và nâng cao) rất rõ ràng để có thể đánh giá tốt nghiệp phổ thông và dùng để xét tuyển.
Trường nào muốn kiểm tra thêm năng lực thí sinh, có thể tổ chức thêm phỏng vấn hoặc thi kiểm tra thêm một vài môn. Mọi việc chỉ cần được cụ thể hóa hơn nữa bằng các vấn đề kỹ thuật: tổ chức, ra đề, chấm thi, xét tuyển. Nhìn chung, đường đi đã rất rõ nét.
Nhiều ý kiến băn khoăn về tính nghiêm túc của kỳ thi nếu được tổ chức tại các địa phương, giống như kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông nghĩ sao về điều này?
- Kỳ thi ba chung cũng tổ chức ở địa phương đó thôi, tỉnh nào có trường ĐH đều tổ chức thi! Kỳ thi này sẽ có thể tổ chức ở địa phương, cùng quy trình tổ chức, giám thị địa phương phối hợp giám thị trường ĐH và áp dụng những kinh nghiệm của kỳ thi ba chung tích lũy được sau 13 năm. Bộ sẽ đưa ra đề án và lấy ý kiến rộng rãi trước khi thực hiện.
Có phần tự luận trong đề thi ngoại ngữ vào năm tới không và khi nào thông báo cho thí sinh?
- Trong đề án đổi mới tuyển sinh sắp tới sẽ công bố: Cấu trúc đề thi ra sao, có phần tự luận không và phần đó như thế nào... Ngành GD&ĐT sẽ lấy ý kiến và công bố trước năm học mới 2014-2015 để học sinh biết và chuẩn bị.
Cảm ơn ông!
Nguồn TPO