ASEAN: Tiến độ xây dựng ‘cộng đồng kinh tế’ chậm trễ?
Đây cũng là những gì mà nhiều nhà kinh tế và ngoại giao đã suy đoán trong nhiều năm qua khi khối ASEAN phải đối mặt với nhiều trở ngại khó khăn để có thể tạo thành một khối gần gũi, chặt chẽ hơn.
Thay vì đề cập đến mục tiêu thành lập một cộng đồng kinh tế vào cuối năm 2015, các quan chức tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lại nói rằng sẽ xây dựng cái mà họ gọi là ‘bước ngoặt’ này trong những năm tới.
Có lẽ, ASEAN đang thừa nhận tiến độ của mục tiêu trên sẽ bị chậm lại.
Các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 22 ở Bandar Seri Begawan, Brunei, hôm 25/4/2013 |
Bên cạnh đó, cộng đồng ASEAN cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị xói mòn uy tín khi có sự chia rẽ liên quan đến tranh chấp hàng hải với Trung Quốc.
Quốc vương Brunei Haji Sultan Hassanal Bolkiah đã nói trong một cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh hôm 25/4 rằng: "Về cơ bản việc xây dựng cộng đồng của ASEAN là một quá trình đang tiếp diễn và sẽ tiếp tục ngay cả sau năm 2015".
Một trong những khó khăn lớn là liệu ASEAN có thể nối những khoảng cách về kinh tế giữa các quốc gia giàu hơn như Malaysia và những thành viên mới hơn và nghèo hơn như Myanma và Lao hay không.
Jayant Menon, một nhà kinh tế cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Manila đã nói: “Họ còn một chặng đường dài để đi” khi đề cập đến các quốc gia "Mekong" là Lào, Campuchia, Myanma và Việt Nam.
Được thành lập từ năm 1967, ASEAN đã trở thành hiệp hội thành công nhất trong khu vực, góp phần ngăn chặn các xung đột và thúc đẩy sự tiến bộ đột biến trong thương mại và đầu tư.
Nhưng các nhà phê bình nói rằng tổ chức này dường như đã đạt đến giới hạn của hội nhập trừ khi việc đưa ra quyết định và các thể chế quyền hạn được cải thiện.
Bộ trưởng Thương mại Philippine, Gregory Domingo, cho rằng các hàng rào phi thuế quan vẫn là vấn đề gai góc nhất. Ông nói: "Chúng tôi đang tự do hóa, nhưng tự do hóa của chúng tôi phải đồng bộ với những quốc gia khác. Nếu chúng tôi tự do hóa quá nhanh trước những nước khác, chúng tôi sẽ gặp bất lợi".
Các nhà đầu tư và các giám đốc điều hành đa quốc gia đang chờ đợi ASEAN thúc đẩy hội nhập để họ có thể tiếp cận tốt hơn với nguồn dân số trẻ và đang phát triển nhanh chóng cùng tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh tại thời điểm Đông Nam Á đang là một điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế toàn cầu.
Hiện tại, ASEAN đã đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong một số lĩnh vực. Ví dụ như giảm gần như tất cả thuế nhập khẩu giữa 6 nước thành viên giàu có hơn khi hướng tới mục tiêu trở thành một khu vực tự do thương mại.