APEC sẽ thích ứng được kể cả khi Hoa Kỳ quay về chính sách bảo hộ
Sự kiện Tổng thống Donald Trump sau khi nhậm chức ngay lập tức từ bỏ TPP sau gần 5 năm đàm phán và tuyên bố sẽ đưa các doanh nghiệp Mỹ quay trở về nước đã dấy lên mối lo ngại trên toàn cầu về xu hướng bảo hộ và đóng cửa của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong khi đó, ngược lại với xu hướng bảo hộ là xu hướng mở cửa, hợp tác kinh tế đang ngày càng phát triển, biểu hiện thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đang ngày càng được ký kết nhiều hơn cũng như càng ngày càng có nhiều FTA đa phương trong các khu vực có cùng lợi ích với nhau như Liên minh kinh tế Á- Âu hay Hiệp định tự do thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).
Ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch ABAC 2017. |
Đứng trước mối lo ngại xu hướng này sẽ ảnh hưởng đến định hướng hoạt động của mình, diễn đàn APEC đã có nhiều cuộc thảo luận để tìm cách giải quyết, tuy nhiên, đến nay, APEC vẫn chưa thể đưa ra được câu trả lời chính xác cho câu hỏi liệu Mỹ tăng bảo họ trong nước có ảnh hưởng như thế nào đến APEC và các nền kinh tế thành viên. Tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị các quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất (SOM 1) diễn ra tại Nha Trang, Tiến sĩ Dennis Hew, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ chính sách của Ban thư ký APEC nói: “Chúng tôi vẫn chờ đợi bộ máy chính quyền (của Tổng thống Donald Trump) hoàn thiện và đưa ra chi tiết các chính sách. Chỉ đến lúc đó chúng tôi mới có thể trả lời chi tiết được”.
Cởi mở hơn với câu hỏi tương tự, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) Việt Nam, ông Hoàng Văn Dũng cho biết: “Nếu Mỹ từ bỏ cuộc chơi này, bắt buộc Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC phải tìm một phương án hợp tác mới”.
Theo ông Dũng việc sau 5 năm đàm phán, Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ TPP là một việc rất đáng tiếc. Tuy nhiên, các nền kinh tế thành viên vẫn mong muốn Mỹ sẽ tham gia một hình thức hợp tác mới trong tương lai, vì Mỹ là nước dẫn đầu trong khu vực APEC. Mỹ có thị trường rộng lớn, mỗi năm nhập khẩu khoảng 2.000 tỷ USD, khoa học công nghệ phát triển, nguồn tài chính dồi dào, công nghệ quản lý rất tốt. Vì thế, nhiều nước trong khu vực APEC được hưởng lợi.
Chia sẻ thêm về việc Mỹ từ bỏ TPP, ông Hoàng Văn Dũng khẳng định, còn nhiều sân chơi để Việt Nam cùng các nền kinh tế khác tham gia. “Gần đây, người ta nói nhiều đến Khu vực tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), mục tiêu đến 2025 sẽ biến khu vực này thành Khu vực mậu dịch tự do. Trước mắt, chúng ta có RCEP gồm 10 nước ASEAN và 6 nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand là phương án thay thế cho TPP”, ông Hoàng Văn Dũng chia sẻ.
Lich sử thế giới đã chứng minh, càng hội nhập thì càng phát triển, những nước đóng cửa, bảo hộ thì không phát triển. Phải mở cửa, hội nhập thì chúng ta mới có cơ hội hội nhập sâu hơn, càng phát triển. Điều đó mang lại lợi ích cho cả Việt Nam, cả các nền kinh tế thành viên APEC và cả thế giới.