Ai biết Đà Nẵng có bia tưởng niệm các liệt sĩ hải chiến Trường Sa?

Bia tưởng niệm ở khu di tích Đình làng Nại Nam (Đà Nẵng) tuy có ghi tên 7 liệt sĩ Hoà Cường hy sinh trong trận hải chiến giữ đảo Gạc Ma cách đây 25 năm nhưng được gộp chung vào mục "Bảo vệ Tổ quốc" và ngoài cái tên thì không có thêm thông tin gì khác nên không thể biết họ hy sinh ở đâu, do chống ai để bảo vệ Tổ quốc mà phải hy sinh?
Ai biết Đà Nẵng có bia tưởng niệm các liệt sĩ hải chiến Trường Sa? - ảnh 1
Sinh viên Lê Phú Đạt không thể nào biết được những liệt sĩ này đã chống lại ai để bảo vệ Tổ quốc mà phải hy sinh? - Ảnh: HC

Có tên trên bia tưởng niệm mà cũng như... vô danh!

Như đã đề cập ở bài trước, trong khuôn viên di tích quốc gia Đình làng Nại Nam (phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) hiện có một nhà bia với tấm bia tưởng niệm ghi tên 121 anh hùng liệt sĩ là người Hoà Cường hoặc người từ nơi khác hy sinh trên đất Hoà Cường qua các thời kỳ đấu tranh giành độc lập tự do và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện khu di tích Nại Nam và nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Hoà Cường đã được giao cho Cung Thể thao Tiên Sơn nằm cạnh đó chăm sóc, bảo vệ. Trưa 12/3, khi đến thăm và dâng hương tại đây, tôi thấy khuôn viên ở đây được thiết kế cảnh quan khá đẹp mắt, rợp bóng cây xanh và hết sức trang nghiêm. Đặc biệt, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Hoà Cường được quét dọn rất sạch sẽ, có đầy đủ hương đèn, bánh trái, rượu và cả một lọ hoa hãy còn khá tươi...

Thấy chúng tôi kính cẩn dâng hương lên bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Hoà Cường, nhất là các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến bi hùng cách đây đúng 25 năm để bảo vệ đảo Gạc Ma trước sự xâm chiếm trái phép của Trung Quốc, em Lê Phú Đạt, sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Y tế TƯ 2 (đóng tại Đà Nẵng) đang ngồi hóng mát gần đó tiến đến xem.

Em kể em từ Quảng Nam theo gia đình đi kinh tế mới ở Đăk Lăk và xuống Đà Nẵng học. Sau buổi thực tập sáng nay tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, em về khu di tích này hóng mát, nghỉ trưa chờ đến giờ học thể dục vào buổi chiều tại Cung Thể thao Tiên Sơn. Em hỏi tôi đây là bia tưởng niệm những liệt sĩ như thế nào? Quả thật lúc đó tôi cũng rất lúng túng, bởi theo giới thiệu sơ bộ của Đảng uỷ phường Hoà Cường Bắc thì ở khu di tích Nại Nam có bia tưởng niệm 7 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến đảo Gạc Ma, nhưng đến nơi lại thấy bia tưởng niệm ghi tên đến 121 liệt sĩ.

Tôi cùng em Lê Phú Đạt đọc kỹ tấm bia nhưng hoàn toàn không có một dấu hiệu nào cho biết tấm bia này do ai lập. Các anh hùng liệt sĩ thì ngoài cái tên cũng không có thêm bất cứ thông tin gì để có thể biết họ xuất xứ từ đâu. Qua cách phân chia trên tấm bia, người ta có thể biết trong số 121 anh hùng liệt sĩ được ghi tên tại đây có 49 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, 51 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, tuy nhiên 21 liệt sĩ còn lại thì chỉ được ghi một cách rất chung chung là "Bảo vệ Tổ quốc". 

Ai biết Đà Nẵng có bia tưởng niệm các liệt sĩ hải chiến Trường Sa? - ảnh 2
Khi được biết trên bia tưởng niệm có tên 7 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma, em Lê Phú Đạt đã rất xúc động kính cẩn dâng hương lên hương hồn các anh - Ảnh: HC

Cũng may do đang viết bài liên quan đến trận hải chiến Gạc Ma nên tôi nhớ được tên các liệt sĩ. Nhờ vậy khi đọc mục "Bảo vệ Tổ quốc", tôi thấy có những cái tên giống với tên các liệt sĩ đã ngã xuống trong trận hải chiến cách đây 25 năm nên ngờ ngợ 21 liệt sĩ ở mục này là những người hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống bành trường Trung Quốc xâm lược. Nghe tôi kể lại, em Lê Phú Đạt tỏ ra rất xúc động và liền mượn tôi chiếc hộp quẹt để dâng hương cho các anh.

"Bọn em đã được đọc, được nghe nhiều về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân Việt Nam trong trận hải chiến đảo Gạc Ma, vậy mà không ngờ ở đây lại có bia tưởng niệm các anh. Giá như tấm bia ghi rõ ràng hơn một chút chắc là sẽ có thêm nhiều bạn đến đây lắm. Đôi khi lịch sử ở ngay bên cạnh mình mà mình chẳng hay biết chi cả. Nhưng như tấm bia này thì muốn biết cũng chẳng làm sao biết được!" - em Lê Phú Đạt nói.

Đúng lúc đó có một người đàn ông dáng người thấp bé đi vào khu di tích. Ngỡ là người quản lý ở đây, chúng tôi đến hỏi thăm. Hoá ra anh chỉ là một người dân bình thường, tên Nguyễn Văn Giáo, nhà ở tổ 15 phường Hoà Cường Nam cách đó chừng một cây số. Anh cho biết, nhà anh xây trên đất do ông nội để lại, và anh sinh ra, lớn lên ở Hoà Cường từ năm 1970 đến nay. Thấy khu di tích Nại Nam sạch đẹp, mát mẻ nên những buổi trưa nắng nóng anh vẫn thường đạp xe đến đây hóng mát.

Chúng tôi hỏi anh có biết về 7 liệt sĩ là con em Hoà Cường hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma hay không thì anh tỏ ra rất am hiểu: "Hồi mấy ảnh hy sinh, tôi đã 17 - 18 tuổi, lại ở ngay phường Hoà Cường (nay là các phường Hoà Cường Nam, Hoà Cường Bắc, Khuê Trung) nên biết rõ việc có cùng lúc 7 nhà phát tang khiến cả phường chấn động". Vậy mà khi được hỏi có biết bia tưởng niệm trong khu di tích Nại Nam có ghi tên 7 liệt sĩ đó hay không thì anh... bó tay vì không nghe ai nói, mà trên bia cũng không thấy ghi rõ. "Bia tưởng niệm ghi như thế này thì dù có tên trên bia mà cũng như vô danh!" - anh Giáo nói.

Dù đơn vị mình được giao quản lý, chăm sóc khu di tích đình Nại Nam cùng nhà bia tưởng niệm nhưng ông Ngô Trường Thọ, Giám đốc Cung Thể thao Tiên Sơn cũng chỉ biết lờ mờ 21 liệt sĩ trong mục "Bảo vệ Tổ quốc" trên tấm bia là các liệt sĩ Hoà Cường hy sinh trong các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và trong trận hải chiến Gạc Ma, còn cụ thể như thế nào thì ông không rõ lắm. 

Ai biết Đà Nẵng có bia tưởng niệm các liệt sĩ hải chiến Trường Sa? - ảnh 3
Là con dân sinh ra và lớn lên trên đất Hoà Cường cùng thời với 7 liệt sĩ Gạc Ma nhưng ông Nguyễn Văn Giáo cũng không hề biết trên bia tưởng niệm ở khu di tích Nại Nam có ghi tên các anh - Ảnh: HC

"Tôi thấy ghi chung chung "Bảo vệ Tổ quốc" như vậy là không cụ thể, nhưng mình chỉ là đơn vị được giao tiếp quản khu vực này nên chỉ biết chăm lo thờ tự các anh cho chu đáo, còn vì sao lại làm tấm bia như vậy thì có lẽ anh phải hỏi trên phường mới biết được vì họ lập ra nhà bia này mà!" - ông Ngô Trường Thọ nói.

Phường đổ cho Sở, Sở đẩy cho phường

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng uỷ phường Hoà Cường Bắc Văn Thái Dũng cho hay, tấm bia này ghi tên 121 liệt sĩ là con em Hoà Cường hoặc người nơi khác hy sinh trên đất Hoà Cường. 21 liệt sĩ nằm trong mục "Bảo vệ Tổ quốc" là những con em Hoà Cường đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu chống bè lũ Pon Pot - Iengxary tấn công quân sự ở biên giới Tây Nam (1978), chống cuộc chiến tranh xâm lược của bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc (1979) và chống quân Trung Quốc xâm chiếm trái phép các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 14/3/1988.

Khi được hỏi vì sao tấm bia không ghi rõ do ai lập, chỉ có tên liệt sĩ chứ không có thêm bất cứ thông tin gì để biết họ xuất thân từ đâu, hy sinh như thế nào, nhất là các liệt sĩ hy sinh sau năm 1975 chỉ được ghi rất chung chung là "Bảo vệ Tổ quốc" như kể trên thì ông Dũng trả lời: "Nguyên thuỷ đó là một tấm bia bằng xi măng do phường Hoà Cường lập. Sau khi quy hoạch nâng cấp, mở rộng di tích quốc gia đình Nại Nam thì vào năm 2001 - 2002, Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng đã đầu tư làm lại bia tưởng niệm cho hoành tráng hơn".

Ông Dũng cũng thừa nhận việc tấm bia không ghi rõ các liệt sĩ hy sinh ở đâu, trên chiến trường nào đúng là "hơi khó" nhưng cho biết: "Nội dung ghi trên bia do Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng tính toán làm theo cách của ổng. Để hiểu rõ việc này anh nên gặp Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng Thái Đình Hoàng, vào thời điểm lập bia thì ổng là Trưởng phòng Chính sách người có công, chủ xị đề xuất việc lập bia tưởng niệm này!".

Tuy nhiên ông Thái Đình Hoàng một mực cho rằng tấm bia tưởng niệm là do phường Hoà Cường lập chứ Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng không tham gia. Thậm chí ông còn hỏi "tấm bia đó có ghi tên 7 liệt sĩ Trường Sa không vậy?". Ông cũng nêu rõ đã nhiều lần họp, nhắc nhở cán bộ LĐ-TB-XH cơ sở về việc ghi nội dung bia tưởng niệm. Theo đó, phải đảm bảo 4 tiêu chí: họ tên liệt sĩ, quê quán, chức vụ, ngày tháng năm hy sinh. Tuỳ theo tấm bia lớn hay nhỏ, số lượng liệt sĩ nhiều hay ít mà người ta có thể lượt bớt một số tiêu chí nhưng ít nhất phải có các tiêu chí quê quán, ngày tháng năm hy sinh. 

Ai biết Đà Nẵng có bia tưởng niệm các liệt sĩ hải chiến Trường Sa? - ảnh 4
Anh Giáo nói: "Bia tưởng niệm ghi như thế thì dù có tên trên bia mà cũng như vô danh. Anh nên lên phường, lên sở hỏi vì sao lại như vậy!" - Ảnh: HC

"Bia tưởng niệm ở khu di tích đình Nại Nam do phường Hoà Cường hoặc Phòng Văn hoá - Thể thao quận Hải Châu lập nhưng họ không đảm bảo các tiêu chí mà Sở LĐ-TB-XH đã hướng dẫn. Việc ghi chung các liệt sĩ hy sinh sau năm 1975, dù ở biên giới Tây Nam, biên giới Tây Bắc, Trường Sa hay do chống tội phạm vào mục "Bảo vệ Tổ quốc" là theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH. Nhưng nếu tấm bia ghi rõ ngày tháng năm hy sinh thì sẽ xác định được liệt sĩ đó hy sinh ở đâu, do chống ai để bảo vệ Tổ quốc mà phải hy sinh" - ông Thái Đình Hoàng nói.

Cho đến khi viết bài này, tôi vẫn chưa thể xác định được bia tưởng niệm liệt sĩ ở di tích quốc gia Đình làng Nại Nam, trong đó có 7 liệt sĩ hy sinh ở trận hải chiến Gạc Ma cách đây đúng một phần tư thế kỷ, là do ai lập. Nên chỉ xin nêu ý kiến của em sinh viên Lê Phú Đạt để tạm kết lại bài viết này:

"Tấm bia tưởng niệm rất đẹp nhưng rất tiếc là không có lịch sử, không có câu chuyện. Bọn em đi học thể dục bên Cung Thể thao Tiên Sơn, thấy bên này đẹp thì thường qua chơi nhưng không biết các liệt sĩ này là như thế nào. Ít ra với mấy vị ở phần trên tấm bia mình còn biết là hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ chứ mấy vị ở mục "Bảo vệ Tổ quốc" phía bên dưới thì bọn em chịu chết, không biết vì sao mà họ hy sinh!".

HẢI CHÂU

Đồn Biên phòng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.

Nghệ An: Duy trì 4 tổ công tác liên ngành kiểm soát nghề cá

Bốn tổ công tác liên ngành được bố trí tại 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Hà Tĩnh: Kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác hải sản trái phép

Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.

Tuyên truyền chống khai thác IUU ở huyện ven biển duy nhất Ninh Bình

Huyện Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển nên việc tuyên truyền chống khai thác IUU luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Hà Tĩnh: Những thách thức và giải pháp trong chống khai thác IUU

Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.

Lồng ghép tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân vùng biển

Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Nghệ An: Nỗ lực tuyên truyền chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn để ngư dân vươn khơi

Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghệ An: 100% chủ tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Nghệ An: Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản

Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.

Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Đang cập nhật dữ liệu !