3 tháng đầu năm, ngân sách Nhà nước chi hơn 61.000 tỷ đồng trả nợ
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2017 ước tính đạt 216,7 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9% dự toán năm.
Trong đó thu nội địa 175,5 nghìn tỷ đồng, bằng 17,7%; thu từ dầu thô 9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 32,2 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9%.
Tổng thu ngân sách đạt hơn 216 nghìn tỷ nhưng chi ngân sách lên tới gần 230 nghìn tỷ |
Trong thu nội địa, thu tiền sử dụng đất đạt 18,9 nghìn tỷ đồng, bằng 29,7% dự toán năm; thu thuế thu nhập cá nhân 17,2 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 38,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 36,8 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3%; thu thuế bảo vệ môi trường 6,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14%; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 33 nghìn tỷ đồng, bằng 11,5%.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2017 ước tính đạt 229,1 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán năm.
Trong đó chi đầu tư phát triển 32,6 nghìn tỷ đồng, bằng 9,1%; chi thường xuyên 173,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19,3%; chi trả nợ lãi 23 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2%. Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2017 ước tính đạt 38,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán năm.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, năm then chốt trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, dự báo kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp. Các cân đối của nền kinh tế chưa thật sự vững chắc. Lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao. Tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Tổng cục Thống kê lưu ý, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước và kỷ luật tài khóa: Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; Tăng cường các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế và gian lận thương mại; Có giải pháp để chống chuyển giá dưới mọi hình thức của các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Tính toán và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý trong năm để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017.